Ấm lòng quán cơm chay vùng quê!

25/05/2021 - 07:02

 - Hiện nay, những quán cơm chay có mức giá phục vụ 5.000 đồng/phần ăn (bao no) đã và đang hình thành ở nhiều nơi. Nhưng với miền quê hẻo lánh thì sự xuất hiện quán cơm chay 5.000 đồng càng thêm ấm áp đối với những người nghèo khó. Ở đó, người lao động nghèo với đồng tiền ít ỏi nhưng vẫn có thể no lòng với những bữa cơm chất lượng, hợp vệ sinh.

Đó là quán cơm chay “5K” (5.000 đồng) của thầy giáo Dương Chí Công (sinh năm 1972, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn). Cảm thông với sự vất vả của người nghèo khó trong thời buổi “vật giá leo thang”, thầy Công đã sử dụng 120m2 đất của gia đình để xây cất và mở quán ăn khang trang với giá bán 5.000 đồng/phần ăn. Quán cơm đi vào hoạt động được hơn 1 tháng trong niềm vui của những mảnh đời còn lắm những khó khăn, vất vả. Theo thầy Công, kinh phí xây dựng quán cơm 5.000 đồng này hơn 90 triệu đồng, trong đó, hơn 60 triệu đồng được nhà hảo tâm nhiều nơi ủng hộ, phần còn lại do chính bản thân bỏ ra để quán cơm sớm đi vào hoạt động.

“Trước đây, tôi từng mở quán cơm chay “0 đồng” ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn), nhưng sau thời gian hoạt động, quán không đạt hiệu quả như dự tính. Để trụ vững trong thời gian dài cần phải có nguồn kinh phí, mà suốt ngày vận động nhà hảo tâm thì sợ phiền lòng. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, bán cơm ngon, chất lượng mà giá “0 đồng”, họ sẽ ngại vào quán. Vậy là, quán cơm chay 5.000 đồng ra đời ở xã Vĩnh Khánh để giải quyết 2 khó khăn trên. Quán ăn vừa làm no lòng những người nghèo khó, thu nhập thấp, vừa ấm lòng khách vãng lai gần xa” - thầy Công chia sẻ.

Quán cơm chay 5.000 đồng luôn ấm lòng khách mỗi khi đến ăn

Giữa nhịp sống hối hả, nhất là trong thời buổi dịch bệnh COVID-19, quán cơm chay với phần ăn 5.000 đồng bao no bụng như thế này, thật sự mang lại hơi ấm nghĩa tình cho người lao động nghèo vùng nông thôn. Đó là nguồn động viên tích cực giúp các hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng mưu sinh, tiếp thêm tinh thần để vươn lên trong cuộc sống. “Nói là 5.000 đồng nhưng tùy trường hợp! Nhiều trường hợp người bán vé số, người khó khăn đến đây ăn không để lại 5.000 đồng vào thùng tiền cũng chẳng sao. Bởi, giúp người cũng chính là giúp mình. Trước khi nghỉ hè, quán có rất đông học sinh đến ăn, quán không nhận tiền của các cháu. Còn đối với khách vãng lai, họ ghé quán rất nhiều. Có khách còn hào phóng, ăn xong bỏ vào thùng cả trăm ngàn đồng với ý muốn hùn một phần nhỏ, nhằm giúp đỡ người nghèo” - chú Phạm Văn Thơ (người tình nguyện đến phụ giúp quán cơm 5.000 đồng, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng nhưng quán cơm trở thành địa chỉ tin cậy, ấm áp nghĩa tình của những hoàn cảnh khó khăn. Bởi ở đó, họ được phục vụ, được chia sẻ như những vị khách bình thường, được ăn những bữa cơm đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng. Khi đến quán, ai ăn gì, dùng gì cứ việc chọn. Ăn xong, mọi người chỉ việc đặt dĩa muỗng vào một thùng to (quán bố trí sẵn), sẽ có người mang đi rửa sạch. Nếu khách thấy chưa no, có thể lấy thêm đồ ăn. Tại quán cơm này, mỗi ngày có từ 4-6 người cùng tham gia phụ giúp. Họ cũng như chú Thơ, xuất phát từ tấm lòng mà đến phụ tiếp quán.

Mỗi ngày, đầu bếp ở quán cố gắng nấu hơn 10 món ăn chay với đầy đủ các các món chiên, kho, xào, canh, luộc đảm bảo thực đơn đa dạng, nhiều sự lựa chọn cho mọi người. “5 giờ sáng hàng ngày, tôi đã có mặt ở quán chuẩn bị các món ăn để kịp phục vụ từ 8 giờ sáng đến khoảng 5 giờ chiều. Từ ngày gắn bó với quán cơm 5.000 đồng nơi đây, tôi tìm được niềm vui cho bản thân. Dù có vất vả với công việc củi lửa, bếp núc nhưng thấy mọi người đến ăn và khen thức ăn ngon, là tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình” - chị Nguyễn Thị Kim Duyên (sinh năm 1973, ngụ xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) bộc bạch.

Quán cơm mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Mỗi ngày, quán nấu khoảng 15kg gạo (do nhà hảo tâm hỗ trợ). Bình quân 1 ngày, quán có khoảng 150 lượt khách ghé. Thời điểm quán mới khai trương, rất đông khách ghé, nhiều khi không đủ chỗ để ngồi. Nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, quán đã khuyến khích mọi người lấy cơm mang về, bố trí bàn ăn đảm bảo khoảng cách. Quán cơm tuy có giá bán 5.000 đồng nhưng đồ ăn lúc nào cũng chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng. “Từ khi quán mở cửa đến giờ, tôi ghé khá thường xuyên. Tôi bán vé số mưu sinh, đồng lời không bao nhiêu, có quán cơm 5.000 đồng này, tôi đỡ chi phí rất nhiều. Mọi người ở quán rất nhiệt tình, không hề có thái độ phân biệt, đối xử. Ăn cơm ở đây, tôi thấy rất ấm lòng!” - cô Út (ngụ xã Định Thành) thật thà chia sẻ.

Thấy ý nghĩa của quán, nhiều người đến góp công, góp sức phụ quán chuẩn bị thức ăn. Có người mang theo đồ rẫy nhà trồng, để gian bếp 5.000 đồng luôn “đỏ lửa”.

PHƯƠNG LAN