An Giang: Bảo vệ rừng mùa nắng nóng

07/04/2021 - 03:59

 - Trước khi bắt đầu mùa mưa với lượng mưa ổn định (khoảng cuối tháng 5-2021), rừng An Giang vẫn tiếp tục hứng chịu khô hạn kéo dài cùng những đợt nắng nóng với nhiệt độ lên đến 36-37oC. Phần lớn diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc đã nâng cảnh báo lên cấp cháy V - cấp cháy cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi công tác bảo vệ rừng cần tập trung tối đa.

Sơ suất là cháy

Mùa khô năm nay, tuy nắng nóng không gay gắt như năm 2020 nhưng thời tiết vẫn rất khô hanh, xuất hiện những đợt nắng nóng cục bộ và rất hiếm khi có mưa. Dọc các vùng đồi núi từ núi Sam (TP. Châu Đốc), vùng Bảy Núi (Tịnh Biên, Tri Tôn), cụm núi Ba Thê, cụm núi Sập (Thoại Sơn), những cánh rừng đã chuyển sang màu vàng, lớp thực bì khô dưới tán rừng ngày càng dày thêm.

Ở những cánh rừng đồng bằng, cây rừng xanh nhưng vẫn tồn tại lớp thực bì dày, trong khi mực nước các tuyến kênh, mương trong rừng xuống thấp. Tháng 3-2021, nhiệt độ cao điểm vùng biên giới có lúc lên 36-37oC nhưng trong các tán rừng đồi núi, có cảm giác như 40oC. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ có thể gây hậu quả cháy rừng rất lớn.

Điển hình như trưa 4-3-2021, tại khu vực rừng tầm vông thuộc dãy núi Dài (địa bàn thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) đã xảy ra cháy rừng. Phải mất gần 2 giờ tích cực chữa cháy, lực lượng kiểm lâm, quân sự và người dân mới khống chế hoàn toàn ngọn lửa. Có khoảng 2,9ha rừng cây tầm vông và thảm thực bì khô đã bị cháy; nguyên nhân có thể do người dân đốt dọn vệ sinh trong quá trình làm mộ.

Khi xảy ra cháy, phát huy phương châm "4 tại chỗ" trong chữa cháy rừng

Khoảng 14 giờ chiều 18-3-2021, tại khu vực nghĩa địa đồi Tà Pạ (thuộc ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, Tri Tôn) xảy ra 1 vụ cháy rừng trên khu vực đất lâm nghiệp do Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn quản lý. Gần 120 cán bộ, chiến sĩ công an, quân sự, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và người dân tham gia chữa cháy, đồng thời huy động 2 xe bồn của công an, quân sự huyện Tri Tôn, 6 máy chữa cháy đồi núi để dập lửa. Khoảng 14 giờ 30 phút, ngọn lửa được khống chế, đến 15 giờ dập tắt hoàn toàn. Tổng diện tích đám cháy khoảng 300m2, gồm lớp thực bì và những cây cỏ khô.

Giữa tháng 3-2021, trong chuyến khảo sát thực địa của Ban Chỉ huy Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Tịnh Biên, hình ảnh Flycam từ các khu vực trọng điểm cháy cho thấy, khu vực rừng đã chuyển sang màu vàng, thực bì đã khô và có khả năng nguy cơ cháy rất cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng đề nghị các lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và địa phương thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra khu vực trọng điểm cháy để phát hiện kịp thời, hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy.

Bảo vệ “lá phổi” vùng biên giới

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh An Giang là 16.868ha, gồm: rừng đặc dụng 1.577ha (chiếm 9,35%), rừng phòng hộ 11.550ha (chiếm 68,47%) và rừng sản xuất 3.741ha (chiếm 22,18%). Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ quốc phòng - an ninh vùng biên giới.

Trong tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện nay, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy được xác định là 7.368,6ha, chiếm 43,7% tổng diện tích. Trong đó, huyện Tịnh Biên có 2.912ha trọng điểm cháy (gồm: rừng tràm Trà Sư; rừng tràm Nhơn Hưng; khu vực núi Phú Cường; cụm núi Đất; khu vực núi Nhọn; khu vực đồi Kakô, khu vực Latina - Tà Lọt, thuộc núi Cấm). TP. Châu Đốc có 49,9ha (thuộc khu vực núi Sam); huyện Thoại Sơn 50ha (khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập).

Riêng huyện Tri Tôn, trong 4.406,7ha vùng trọng điểm cháy, vùng đồi núi chiếm 2.550ha, tập trung ở một số khu vực thuộc núi Dài lớn, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy… rừng đồng bằng có nguy cơ cháy cao là 1.856,7ha, gồm: rừng tràm Bình Minh 612,1ha, rừng tràm Tân Tuyến 256ha, rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội 975,6ha.

Vào cao điểm mùa khô, chỉ cần mồi lửa nhỏ cũng gây cháy rừng

Cùng với nguy cơ cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, một số khu vực rừng còn thuộc vùng trọng điểm chặt phá. Tại huyện Tịnh Biên, trọng điểm chặt phá là khu vực Trường bắn - núi Cấm (xã Tân Lợi); khu vực Latina - núi Cấm (xã An Hảo); khu vực Tà Lọt, từ ngã ba Sóc Tức đến chân vồ Chư Thần (thuộc xã An Hảo); khu vực núi Dài nhỏ (núi Dài Năm Giếng, thuộc xã An Phú).

Tại huyện Tri Tôn, vùng trọng điểm chặt phá gồm: khu vực núi Dài lớn (vồ Cỏ Sả; vồ Cờ; đồi 81; đồi 400; khu vực phía Đông núi Dài lớn, từ Antraco - Bến Chuối, thuộc ấp Rò Leng, xã Châu Lăng; khu vực núi Trọi, vồ Đá Đen, bến Bà Chi, thuộc ấp Trung An, xã Lê Trì); khu vực núi Nam Quy (ấp Tà On và Phnôm Pi, xã Châu Lăng); khu vực núi Cô Tô (Kẹt Cần Đước và đồi Tà Pạ, thuộc xã An Tức và Núi Tô; khu vực từ Hang Tuyên Huấn qua suối nước chảy đến công trường khai thác đá An Phước, thuộc ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm). Trong đó, khu vực Tà Pạ là “điểm nóng” và bến Bà Chi là điểm đặc biệt quan tâm, có khả năng trở thành “điểm nóng”.

Trong nội dung chỉ đạo mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các ngành chức năng, các lực lượng và địa phương quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Chi cục Kiểm lâm An Giang chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ rừng và chủ nhận khoán rừng chấp hành đúng quy trình kỹ thuật phòng cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Đối với các diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ, làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đốt dọn các tuyến băng trắng, vùng đệm chống cháy lan từ ngoài vào, nhất là các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp… Đối với diện tích rừng đồng bằng tập trung (rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường Tỉnh đội, Tân Tuyến), phải thực hiện duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.

Văn phòng Ban Chỉ huy Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã tham mưu xây dựng kế hoạch diễn tập chữa cháy rừng tại địa phương với quy mô nhỏ trong khả năng kinh phí cho phép. Từ đó, tăng cường kỹ năng chỉ huy, phối hợp đồng bộ trong chữa cháy rừng thực tế.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN