An Giang cải thiện môi trường đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh

15/02/2022 - 04:29

 - Sau thời gian tập trung quyết liệt các giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19, An Giang đang dần kiểm soát tốt dịch bệnh. Để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang.

Điểm sáng thu hút đầu tư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, chủ trương, quyết sách đúng đắn của Trung ương, sự vào cuộc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN), tỉnh An Giang đã tiếp tục giữ vững môi trường pháp lý an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, cải thiện chi phí không chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho DN, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021.

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và phân công các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo mục tiêu đã đề ra.

An Giang tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển DN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, chỉ số PCI tỉnh An Giang năm 2020 đạt 64,72 điểm, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm điều hành “khá”. Năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới đạt 596 DN, lũy kế đến cuối năm trên địa bàn tỉnh hiện có 6.751 DN và 3.520 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký 71.556 tỷ đồng. Tỉnh còn thu hút được 18 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 947 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, mong muốn hợp tác đầu tư một số dự án trọng điểm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như: Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn THACO, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH… Những dự án này cùng những dự án mới, dự kiến được cấp phép đầu tư hoặc trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022 sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy KTXH tỉnh phát triển.

Quyết tâm hành động

Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, ngày 10-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ngay sau đó, ngày 19-1-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 32/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, mục tiêu của tỉnh là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và DN, tạo động lực tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Tỉnh và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa. UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, tăng nhanh số DN mới thành lập, giảm tỷ lệ DN giải thể.

Năm 2022, An Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra tại Chương trình hành động 553/CTr-UBND, ngày 9-9-2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh tiếp tục nâng cao tỷ lệ giao dịch điện tử giữa người dân, DN với chính quyền các cấp.

Phấn đấu hết năm 2022, thực hiện cung cấp trên 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 4, trong đó áp dụng 100% cho dịch vụ thiết thực đối với người dân (y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội). Tỉnh và các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Thời gian tới, toàn tỉnh đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử, khuyến khích các trường học, bệnh viện, Công ty Điện lực An Giang, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, các đơn vị thực hiện chức năng vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính, truyền hình trên địa bàn tỉnh phối hợp ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện, nước... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN phát triển, tạo lập môi trường thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, lấy hoạt động khoa học - công nghệ làm động lực phát triển KTXH địa phương.

An Giang tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của DN, như: Khởi sự kinh doanh; nộp thuế và bảo hiểm xã hội; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tiếp cận tín dụng; bảo vệ nhà đầu tư; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; giao dịch thương mại qua biên giới; giải quyết tranh chấp hợp đồng; giải quyết phá sản DN

 

NGÔ CHUẨN