An Giang chủ động ứng phó mùa khô

18/03/2024 - 06:59

 - Trước diễn biến phức tạp của mùa khô năm 2024, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang (Ban Chỉ huy tỉnh) yêu cầu các ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, kiệt, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, dự báo từ tháng 3 - 6/2024, có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ ở một số địa phương, như: Huyện An Phú, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc. Nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng có khả năng ở mức 36 - 38oC.

Trong khi đó, tổng lượng mưa trong 3 tháng đầu năm 2024 thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng mưa trái mùa rất ít, tình trạng khô hạn có thể kéo dài. Đồng thời, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về hạ lưu qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5 - 15%; trong tháng 4 - 6/2024, có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 15 - 25%.

Ban Chỉ huy tỉnh dự báo khu vực có khả năng bị hạn, kiệt ảnh hưởng đến sản xuất là các địa phương: Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Đốc. Tại những địa phương này, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm nắng nóng, sẽ gây khó khăn cho công tác bơm tưới, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nắng nóng gây ảnh hưởng sinh hoạt của người dân ở những khu vực chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt và những vùng cao ven đồi, núi tại Tịnh Biên, Tri Tôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Trưởng ban Chỉ huy tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp chủ động ứng phó hạn, kiệt, bảo vệ sản xuất và đời sống Nhân dân. Với các giải pháp phi công trình, cần triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, kiệt theo phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ảnh hưởng của hạn, kiệt đến đời sống và sản xuất. Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ đông xuân 2023 - 2024 phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, cần xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước chi tiết đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.

Cùng với đó, phải tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất; thực hiện nghiêm phương án chống hạn của các địa phương và đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp tự ý đắp, đào, xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới tiêu của địa phương.

Với ngành chuyên môn, phải thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, thông tin kịp thời đến các địa phương và người dân để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các địa phương cần lưu ý, khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước, tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào, hạn chế bơm khi nước trong kênh, rạch xuống thấp….

Với giải pháp công trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, kiệt bảo vệ sản xuất vụ đông xuân và hè thu năm 2024. Trong đó, phải quản lý, vận hành hiệu quả công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng, chủ động ưu tiên bố trí từ nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; thực hiện nạo vét, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh, mương nội đồng, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Nhằm đảm bảo sinh hoạt của người dân ở khu vực chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt, Ban Chỉ huy tỉnh yêu cầu các địa phương tiến hành ngăn các đập tạm để trữ nước; sử dụng phương tiện vận chuyển nước cho người dân khi cần thiết; mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện có, không để thiếu nước và bùng phát dịch bệnh do hạn kéo dài.

Tại TX. Tịnh Biên, UBND thị xã yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường phối hợp đơn vị quản lý để xác định khả năng cung cấp nước tưới của công trình thủy lợi. Trên cơ sở đó, có phương án cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp trong thời gian xảy ra khô hạn. Với khu vực ở xa công trình thủy lợi, cần khuyến cáo người dân chủ động chuyển đổi từ lúa sang những cây trồng chịu hạn tốt. Chủ động bố trí nguồn vốn địa phương để sửa chữa khắc phục các công trình thủy lợi nhỏ, nhằm phục vụ sản xuất hiệu quả.

Đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cần phối hợp chính quyền địa phương huy động nhân lực, vật lực để phục vụ chống hạn. Thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, cửa van điều tiết nước. Đối với các trạm bơm, đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, điện, tận dụng tối đa bơm giờ thấp điểm…

Trưởng ban Quản lý các trạm bơm điện TX. Tịnh Biên Trương Minh Thức thông tin: “Chúng tôi đã chủ động kiểm tra, duy tu máy móc trước thời điểm mùa khô năm 2024 để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, trên diện tích 2.709ha tại các địa phương: An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo và An Phú.

Hiện nay, Hệ thống trạm bơm 3/2, Trạm bơm Văn Giáo, Trạm bơm Vĩnh Trung đang hoạt động hết công suất, liên tục nhằm đảm bảo người dân đủ nước sản xuất. Dù chi phí bơm tưới tăng cao, chúng tôi vẫn nỗ lực đảm bảo hoạt động để bà con Khmer có đất canh tác trong diện tích phục vụ của trạm bơm, yên tâm sản xuất qua mùa khô năm nay”.

Ông Trương Minh Thức cũng cho hay, đã cử lực lượng túc trực xuyên suốt tại đơn vị, thường xuyên kiểm tra hệ thống máng nước của các trạm bơm, hạn chế thấp nhất tình huống phát sinh, cũng như hiện tượng thất thoát nước trong quá trình hoạt động.

Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn thông tin: “Chúng tôi đã yêu cầu các ngành, địa phương chủ động thực hiện các phương án trước mắt, nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của thời tiết. Về lâu dài, sẽ thực hiện các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình, nhằm ứng phó một cách chủ động, hiệu quả với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo vệ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân”.

THANH TIẾN