An Giang chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc

10/11/2020 - 05:04

 - Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định là: “…khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước”. Để đạt mục tiêu này, cần hành động ngay từ bây giờ.

An Giang phát huy lợi thế du lịch

Khắc phục khó khăn

Nhìn lại 5 năm qua, dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Trong đó, tăng trưởng GRDP bình quân chỉ đạt 5,25% (nghị quyết 7%); GRDP bình quân đầu người đạt trên 46,8 triệu đồng (nghị quyết 48,6 triệu đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 127.360 tỷ đồng (nghị quyết 148.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt 4,18 tỷ USD (nghị quyết 6,05 tỷ USD); thu ngân sách 31.345 tỷ đồng (nghị quyết 31.985 tỷ đồng); trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 40,65% (nghị quyết 50%)...

Những điểm yếu còn tồn tại khác là việc đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa rõ nét, năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế theo loại hình sở hữu phụ thuộc phần lớn vào kinh tế hộ và cá thể (khoảng 84%) với quy mô nhỏ và siêu nhỏ…

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn chung, trong đó có những tác động khó dự báo trước thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,25% được xem là phù hợp với nguồn lực của địa phương, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (GRDP tăng 5,07%). So vùng ĐBSCL, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020 đứng thứ 11/13 tỉnh, thành phố (giai đoạn 2011-2015 đứng thứ 13/13); quy mô GRDP năm 2020 đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL (tương đương năm 2015)…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, những năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của An Giang được cải thiện, các chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều tăng qua từng năm. Kết quả năm 2019, chỉ số PAR-Index của An Giang xếp hạng 11 cả nước, PAPI và PCI đều xếp hạng 21 cả nước.

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng nhưng chất lượng tăng trưởng là đáng ghi nhận. An Giang đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới sớm hơn 1 năm so lộ trình (61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Đời sống người dân trên địa bàn tỉnh không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 dự ước đạt trên 46,8 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, giảm bình quân 1,5%/năm…

Phát huy lợi thế

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thương mại, dịch vụ và du lịch (DL) tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng cao (năm 2020 chiếm 49,09%); quy mô thị trường An Giang nằm trong nhóm đầu khu vực ĐBSCL. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 502.000 tỷ đồng.

Hàng hóa An Giang đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; hạ tầng thương mại, dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị phát triển khá đồng bộ, hiện đại, giao thương hàng hóa nhộn nhịp; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu được đẩy mạnh.

Những năm qua, thế mạnh về DL An Giang tiếp tục được phát huy. Giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án giao thông phục vụ phát triển DL trên địa bàn tỉnh đạt 3.108 tỷ đồng. Từ đó, mời gọi nhiều nhà đầu tư vào Khu DL núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... góp phần đa dạng hóa sản phẩm DL, tăng số lượng du khách và doanh thu dịch vụ. Có 22 dự án đầu tư vào DL, vốn đăng ký 6.416 tỷ đồng. Nếu như năm 2015, có 6,25 triệu lượt khách đến An Giang, doanh thu 1.520 tỷ đồng thì đến năm 2019, tỉnh đã thu hút 9,2 triệu lượt khách, doanh thu 5.500 tỷ đồng.

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu, kết quả nổi bật cũng như nhìn lại những hạn chế, điểm yếu trong tăng trưởng kinh tế, Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn xây dựng, tham mưu ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục yếu kém để đưa kinh tế An Giang tăng tốc phát triển, gắn với đảm bảo hài hòa văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trong đó, bám sát những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã thông qua như: tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4-72,2 triệu đồng/người (tương đương từ 2.563-2.626 USD); tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164.600-176.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 43%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2025 đạt 73%...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, một trong những quyết tâm quan trọng của tỉnh là đến năm 2025, đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước. Để thực hiện quyết tâm này, tỉnh sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang.

Trong đó, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp với phương châm: “Thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghiệp hóa, công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững”.

Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng, đồng thời phát huy mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và DL. An Giang sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, DL và đô thị. Đồng thời, nâng cao năng lực doanh nghiệp, phát huy vai trò kinh tế tư nhân trở thành động lực cho phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh…

An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển các trung tâm, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản và phát triển các loại hình dịch vụ logistics (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu). Đồng thời, phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế trong việc kết nối ĐBSCL và TP. Phnom Penh (Campuchia), đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới.

NGÔ CHUẨN