An Giang chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ

13/10/2023 - 06:38

 - Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, những kết quả bước đầu trong triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ là tiền đề quan trọng, tạo sự lớn mạnh của cộng đồng DN.

Chuyển đổi số trong DN vừa và nhỏ không chỉ làm gia tăng giá trị hoạt động SXKD, mà còn tạo cơ hội bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số. An Giang có 8.246 DN đang hoạt động, trong đó 99% DN vừa và nhỏ.

Sự lớn mạnh của cộng đồng DN vừa và nhỏ cả về số lượng và chất lượng đã khẳng định về sự đồng thuận giữa chính quyền với DN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, hội nhập và phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN SXKD với phương châm “Chính quyền kiến tạo, DN đồng hành”.

Tập huấn về thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt

Để đồng hành với DN, tỉnh An Giang xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, giúp DN phát triển mô hình kinh doanh, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên tiến tới phát triển bền vững.

Trên cơ sở Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 890/KH-UBND, ngày 28/12/2022 về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, được sự hỗ trợ của tỉnh, các DN đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong hoạt động quản lý, SXKD và tiêu thụ sản phẩm với 30% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để trao đổi, quảng bá hình ảnh, họp trực tuyến (Zavi, Zoom, Google Meet…).

Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân; các khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Tự động hóa giúp các DN vừa và nhỏ thực hiện một loạt các quy trình hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Một ví dụ của tự động hóa là tạo email xác nhận đơn hàng sau khi khách hàng hoàn thành giao dịch mua hàng trực tuyến. Nhiều cơ sở SXKD sử dụng app thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng và thanh toán online… tạo nhiều tiện lợi cho khách hàng.

 “Trước đây, khi mua sắm ở những DN lớn, siêu thị, ăn uống ở nhà hàng thì mới có quẹt thẻ thanh toán tiền. Gần đây, việc thanh toán online, chuyển tiền qua app phát triển nhanh, hầu như mua sắm đều có thể thanh toán tiền qua app, nên rất tiện lợi. Nhiều người mua sắm xe, giao dịch vài trăm triệu đồng, nhưng chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản là xong, rất mau lẹ, khỏi phải tốn công đoạn rút tiền rồi mang theo tiền để trả rất phức tạp”- chị Hương (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt

Tuy nhiên, bên cạnh những DN chuyển đổi số thành công, thì cũng không ít DN vừa và nhỏ chưa thấy rõ được nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi số hoặc lo lắng về tính bảo mật, an toàn thông tin. Một số DN gặp khó về chi phí triển khai chuyển đổi số; có những DN quan tâm nhiều đến chuyển đổi số bằng công nghệ nhưng chưa quan tâm nâng cao kiến thức về chuyển đổi số trong nhân sự và quản trị DN...

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN tại địa chỉ https://digital.business.gov.vn (hoặc https://dbi.gov.vn) để DN vừa và nhỏ có thể sử dụng bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, qua đó xác định nội dung cần hỗ trợ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 1965/QĐ-UBND, ngày 4/8/2022 về ban hành Đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ tỉnh An Giang đến năm 2025; Kế hoạch 160/QĐ-UBND, ngày 6/3/2023 về hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023. Trong đó, kinh phí hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển đổi số là 1,8 tỷ đồng.

Để công tác hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển đổi số thành công, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực nội tại của chính quyền địa phương, cần có sự chung tay của cộng đồng DN vừa và nhỏ, chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để không tụt hậu, phụ thuộc, nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số.  

Chuyển đổi số góp phần giúp DN phát triển bền vững, giúp quy trình quản lý, SXKD, phối hợp công việc trong DN thêm hiệu quả, tăng giá trị mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích