An Giang: Chuyển tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp

12/06/2023 - 06:32

 - Việc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của An Giang giảm là điều không vui (đạt 62,37 điểm, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm 4,11 điểm và giảm 37 bậc so năm 2021), nhưng cũng là dịp để nhìn lại cách làm, cách vận hành bộ máy, cách giải quyết vấn đề của doanh nghiệp (DN). Đó còn là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, phải khắc phục thái độ làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ, chăm sóc” DN, nhà đầu tư.

Bài học của Quảng Ninh

Liên tục 10 năm (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong “Nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước” và suốt 6 năm liền (2017 - 2022), tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí quán quân cả nước trong bảng xếp hạng PCI. Điều này cho thấy, Quảng Ninh có những cách làm hay, sáng tạo trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo được niềm tin trong cộng đồng DN.

Nhận lời mời của UBND tỉnh An Giang, từ miền Bắc xa xôi, bà Vũ Thị Kim Chi (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là Tổ phó thường trực Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh) đã đến An Giang chia sẻ những kinh nghiệm, bài học để tỉnh có thể đúc kết, vận dụng, đề ra giải pháp nâng cao chỉ số PCI - vốn được cảm nhận và đánh giá từ chính cộng đồng DN.

Bà Vũ Thị Kim Chi chia sẻ kinh nghiệm dẫn đầu bảng xếp hạng PCI của tỉnh Quảng Ninh với tỉnh An Giang

Tại sao phải học? Bởi vì chính Quảng Ninh cũng từng đi học tập nhiều nơi để có được thành quả như hôm nay. Năm đầu tiên công bố chỉ số PCI (năm 2012), Quảng Ninh chỉ xếp hạng 20 cả nước.

Bà Vũ Thị Kim Chi cho biết, đoàn tỉnh Quảng Ninh đã đến Đồng Tháp học tập mô hình “Cà-phê doanh nghiệp”, sau đó không chỉ tổ chức trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, mà các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng mở rộng mô hình, tạo không gian đồng hành, lắng nghe, giải quyết vấn đề của DN ngay từ khi mới phát sinh. Bộ từ khóa “Ý chí - Quyết tâm - Niềm tin” giúp Quảng Ninh vào “Tốp 5” bảng xếp hạng PCI từ năm 2013 và đứng đầu từ năm 2017 đến nay.

Ngay tên gọi cơ quan nơi bà Chi công tác đã là một bài học - Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, tức là gom công tác xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư và hỗ trợ DN về một đầu mối, tạo thành địa chỉ tin cậy cho DN từ khâu tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư đến giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tỉnh Quảng Ninh còn thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư (Investor Care), do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng, bà Vũ Thị Kim Chi là Tổ phó thường trực, các tổ phó khác gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan. “Quan điểm của tỉnh là đi đến cùng, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư, với phương châm “Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”. Investor Care theo sát bước chân nhà đầu tư, thật sự là nơi nhà đầu tư gửi gắm niềm tin” - bà Chi chia sẻ.

Áp dụng cho An Giang

Tỉnh Quảng Ninh còn có những bài học hay trong nỗ lực xây dựng chính quyền “Liêm chính - Hành động - Phục vụ - Kiến tạo phát triển”, luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, trăn trở tìm ra điểm nghẽn, tìm ra động lực, nguồn lực mới.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên cả nước ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 05-NQ/TU). HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết 24/NQ-HĐND, mục tiêu là “Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính”.

UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ số PCI và công bố kết quả bộ chỉ số DDCI năm 2022

UBND tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu nằm trong nhóm đầu cả nước về hầu hết các chỉ số quan trọng. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước triển khai DDCI (bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương) trong 7 năm liên tục, đồng thời thiết lập mạng xã hội Fanpage “DDCI Quảng Ninh” để tiếp nhận, lắng nghe ý kiến DN. Nhờ mạnh dạn “trao quyền” cho DN đánh giá các cơ quan quản lý nhà nước, kết quả đánh giá “đo lường” rất rõ mức độ tín nhiệm đối với bộ máy chính quyền.

Chủ trì Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số PCI và công bố kết quả bộ chỉ số DDCI năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, những phân tích, chia sẻ của các chuyên gia Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đặc biệt là những kinh nghiệm, bài học của tỉnh Quảng Ninh là rất quý giá, cần trân trọng, học tập. “Các chỉ số thành phần của PCI liên tục thay đổi, đặc biệt là chỉ số PCI năm 2022 của An Giang giảm rất sâu, cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa thật sự ổn định. Trong số các nguyên nhân ảnh hưởng chỉ số PCI thì nguyên nhân chủ quan là chính; cần phải nhìn nhận lại, phân tích sâu, đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá.

Một trong những bài học hay có thể nghiên cứu, học tập từ tỉnh Quảng Ninh là gom công tác xúc tiến và hỗ trợ DN, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư về một đầu mối; xây dựng tầm nhìn, tác phong, lề lối, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đủ năng lực đồng hành với DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng tham mưu Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh ban hành quy chế làm việc của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó, đề xuất phương thức vận hành và hoạt động phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để trao đổi, giải quyết các thủ tục hành chính cho DN nhanh nhất và đúng pháp luật.

“Tại sao cùng một cơ chế, cùng một quy định giống nhau nhưng có những địa phương giải quyết tốt các vấn đề của DN, còn An Giang lại nằm trong số những địa phương chưa giải quyết tốt. Tôi đề nghị khi có phát sinh vấn đề của DN, nếu thuộc thẩm quyền quản lý của một sở, ngành thì tập trung giải quyết nhanh; nếu cần phối hợp các sở, ngành thì các đơn vị ngồi lại, đề xuất rõ chính kiến, phương án, trả lời cụ thể “được” hay “không”, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bằng cách “hỏi ý kiến cấp trên”. Điều này làm chậm quá trình giải quyết vấn đề của DN, nhà đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.


NGÔ CHUẨN