An Giang có 8 Bảo vật quốc gia

08/08/2023 - 08:20

 - Tối 7/8, tại quảng trường Hai Bà Trưng (TP. Long Xuyên), UBND tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022 và trưng bày các Bảo vật quốc gia tỉnh An Giang chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2023).

Các đại biểu và đông đảo nhân dân tham dự lễ công bố

Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022 cho tỉnh An Giang

Hiện vật Mukhalinga Ba Thê được công nhận là Bảo vật quốc gia

Các đại biểu và nhân dân nghe thuyết minh giới thiệu về Bảo vật quốc gia Mukhalinga Ba Thê

Ngày 30/1/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022 cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật. Trong đó, tỉnh An Giang vinh dự được công nhận một Bảo vật quốc gia là hiện vật Mukhalinga Ba Thê có niên đại vào thế kỷ VI được phát hiện năm 1986, tại xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn).

Hiện vật Mukhalinga Ba Thê cao 91cm, rộng 20-22cm, trọng lượng 90kg, có chất liệu chính bằng sa thạch hạt mịn màu xám đen, bề mặt có lớp patin màu xám ghi sáng, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng An Giang, là 1 trong 8 bảo vật trên địa bàn tỉnh An Giang đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, có giá trị khoa học - nghệ thuật, là tư liệu lịch sử quý hiếm không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn phản ánh thành tựu văn hóa - lịch sử của cư dân Nam Bộ trong quá trình khai phá và phát triển vùng đất.

Đây là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật chế tác đá, nghệ thuật tạo hình đến triết lý tôn giáo của văn hóa Óc Eo – Ba Thê nói riêng và văn hóa Óc Eo nói chung.

Việc hiện vật Mukhalinga Ba Thê được công nhận là Bảo vật quốc gia thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của nhà nước đối với lịch sử vùng đất An Giang. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân An Giang, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung.

TRUNG HIẾU – TRỌNG TÍN