An Giang có nhiều sáng tạo trong phòng cháy, chữa cháy

19/05/2023 - 12:31

 - Sáng 19/5, đoàn khảo sát của Bộ Công an, do đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ dẫn đầu, đã làm việc với UBND tỉnh An Giang về triển khai các quy định pháp luật đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trao đổi tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư trao đổi với đoàn khảo sát Bộ Công an

Đoàn khảo sát Bộ Công an và các sở, ngành tỉnh An Giang trao đổi tại buổi làm việc

Chủ trì buổi tiếp và trao đổi với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng Đề án PCCC và CNCH, triển khai thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở tình hình thực tế thay đổi và những quy định pháp luật mới, tỉnh sẽ cập nhật để bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, lấy ý kiến các sở, ngành, cộng đồng dân cư đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCCC.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, An Giang sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong học sinh, cộng đồng, doanh nghiệp, đi kèm thanh, kiểm tra để nâng cao ý thức PCCC; tăng cường vai trò, kỹ năng của lực lượng PCCC tình nguyện và lực lượng xung kích ở cơ sở để tận dụng “5 phút vàng” sau khi xảy cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Tỉnh đề nghị Bộ Công an có hướng dẫn tiêu chí phân loại vùng nguy cơ cháy, nổ cao, giúp địa phương xác định những vùng nguy cơ này, nhất là ở các khu dân cư cũ để có phương án quan trắc, theo dõi, giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài. Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất xây dựng Quỹ PCCC, huy động nguồn từ việc trích phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và các đối tượng có nguy cơ cháy, nổ cao. Quỹ PCCC giúp các địa phương chủ động trang bị cơ sở vật chất, dụng cụ, lực lượng PCCC hiệu quả hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh đang xây dựng Đề án thành lập Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông để phù hợp đặc thù vùng sông nước, tăng hiệu quả chữa cháy đối với các phương tiện thủy, bè nổi, gần 300 khu dân cư và nhiều cơ sở sản xuất dọc theo các sông, kênh, rạch. Tỉnh đề nghị Bộ Công an ủng hộ đề án này, đồng thời hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyên môn chữa cháy trên sông cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, đại tá Bùi Quang Việt đánh giá cao việc triển khai các quy định pháp luật đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh An Giang, đặc biệt là những sáng kiến, sáng tạo của tỉnh trong thành lập lực lượng PCCC tình nguyện ở cơ sở; huy động các nguồn lực trang bị phương tiện, lực lượng PCCC và CNCH. UBND tỉnh An Giang đã có nhiều văn bản chiến lược nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, kiềm chế số vụ cháy và hậu quả các đám cháy. Đối với các bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn khảo sát Bộ Công an sẽ đúc kết, đưa vào tổng kết, đánh giá, đề xuất nhân rộng; từng bước giải quyết cho tỉnh.

An Giang là tỉnh có diện tích rộng (3.536,67km2), dân số đông (trên 2 triệu người), có 13.423ha rừng, 2 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 190 chợ, 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 1.457 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ... UBND tỉnh cho biết, công tác PCCC và CNCH luôn được tỉnh quan tâm tăng cường.

 10 năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được kiềm chế và kéo giảm đáng kể so 10 năm trước (xảy ra 292 vụ cháy so 474 vụ giai đoạn 10 năm trước). Tuy nhiên, số người chết, bị thương tăng, thiệt hại tài sản gần 188,63 tỷ đồng. Mạng lưới lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, chưa bao phủ được hết các địa phương. Tỉnh kiến nghị Bộ Công an cho An Giang được thành lập thêm 3 Đội Chữa cháy và CNCH khu vực tại các huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn và An Phú (hiện chỉ có 8 đội).

Do đặc thù địa bàn An Giang đường nhỏ, cầu hẹp nên xe chữa cháy khó tiếp cận đám cháy, tỉnh đề nghị Bộ Công an trang bị xe chữa cháy có cấu hình nhỏ (dung tích 1.000 lít nước) và máy bơm nổi phục vụ công tác chữa cháy tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Đồng thời, tiếp tục phân bổ các nguồn kinh phí phục vụ hoạt động PCCC để xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, dụng cụ chữa cháy và CNCH; trang bị ca-nô chuyên dụng chữa cháy và CNCH trên sông.

NGÔ CHUẨN