An Giang đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm

21/02/2022 - 05:47

 - UBND tỉnh An Giang vừa triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Trước mắt, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, không để gia tăng do tác động của dịch bệnh COVID-19. Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp; UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, thiết thực và hiệu quả.

Trong đó, chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, năm sau giảm so với năm trước; giảm tỷ lệ tái phạm tội; giảm ít nhất 5% tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm hàng năm đạt trên 75%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố…

Phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh được quan tâm

Bên cạnh đó, bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% vụ án hình sự (đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố), bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực, nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm (được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát) đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Toàn tỉnh tập trung chuyển hóa hiệu quả địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu tỷ lệ chuyển hóa thành công hàng năm đạt từ 60% trở lên; 85% địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và an ninh trật tự, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý, nhằm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học - công nghệ và huy động nguồn lực phục vụ phòng, chống tội phạm…

Gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tội phạm với triển khai hiệu quả giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài; thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên; sự chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng tăng cường phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội (người sử dụng trái phép chất ma túy; “ngáo đá”, tâm thần…). Thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong phòng, chống tội phạm và dịch bệnh COVID-19. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên... ở địa bàn trọng điểm về tội phạm; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.

Chú trọng truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ số; huy động sự tham gia của doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, người có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư... để phối hợp tuyên truyền, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương, từng lĩnh vực. Triển khai đợt cao điểm truyền thông; phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, tham gia phòng, chống tội phạm, phát huy vai trò lực lượng công an cấp xã khi bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở…

UBND tỉnh An Giang yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở nơi để tội phạm xảy ra phức tạp, lộng hành, kéo dài nhưng không có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Phải giải quyết tốt vấn đề về an sinh xã hội, an dân, có giải pháp cụ thể ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG