Khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị 1666 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định yêu cầu “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN, các tổ chức chính trị- xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. “Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí”.
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện với những nhiệm vụ cơ bản: Tuyên truyền, vận động nhân dân và các thành viên tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; cung cấp thông tin và phối hợp với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị cơ quan Nhà nước bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo tham nhũng.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Phan Trương cho biết: Hàng năm, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên của MTTQ và các cơ quan đơn vị liên quan luôn đổi mới hình thức, nội dung công tác công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân từ tỉnh đến khóm, ấp. Thông qua tuyên truyền, vận động từng bước tác động người dân thấy được quyền và trách nhiệm của mình tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng: Tham gia giám sát việc xây dựng các quy chế, quy định của đơn vị, địa phương, công tác Thanh tra nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng tiêu cực, ổn định tình hình cơ sở.
Phát huy vai trò MTTQ, đoàn thể và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội
Phát huy hiệu quả bài học “lấy dân làm gốc”, tỉnh chú trọng vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân trong các hoạt động của tỉnh. Đặc biệt là trong các hoạt động xã hội hóa... Nhân dân cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề có liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Người dân đã tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp với cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành và phản ánh tới các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để thông tin về những dấu hiệu sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân còn phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện chương trình phối hợp về giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân và khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tỉnh An Giang. Đây là cơ sở giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tổ chức nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.
Hiện, toàn tỉnh có 156 Ban Thanh tra nhân dân, đảm nhận nhiệm vụ Giám sát đầu tư của cộng đồng, đã từng bước phát huy hiệu quả hoạt động thông qua thực hiện các nội dung dân chủ cơ sở như: Thực hiện các nội dung dân biết, dân bàn, dân thực hiện và kiểm tra, giám sát, tập trung giám sát thái độ, tác phong và thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại văn phòng “một cửa”, giám sát các công trình phúc lợi ở cơ sở, việc quản lý, sử dụng nguồn đóng góp của nhân dân.
Kết quả trong 5 năm qua (2016-2020), đã giám sát 8.291 vụ, việc được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó giám sát trên 4.016 công trình phúc lợi có sự tham gia đóng góp của nhân dân. Qua giám sát, đã thực hiện 975 kiến nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thẩm quyền khắc phục, xử lý 920 vụ, việc còn sai sót, hạn chế về chất lượng công trình, đặc biệt thu hồi cho nhà nước và nhân dân số tiền gần 1 tỷ đồng, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử để thực hiện giám sát: tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn trong khi HĐND đưa ra lấy phiếu tín nhiệm (theo Nghị Quyết 35 của Quốc hội), tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân hàng quý, 6 tháng, năm được duy trì, tổ chức đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tiếp xúc chuyên đề... Thông qua đó, cán bộ lãnh đạo, đại biểu dân cử có điều kiện gần dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân về ưu điểm, nhược điểm của bản thân để điều chỉnh, sửa chữa, góp phần phòng ngừa tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được quá trình thực hiện, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn với ngăn chặn suy thoái , “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác phối hợp giữa MTTQVN với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng chưa thực sự chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nhân dân và từng cơ quan, đơn vị. Việc bố trí cán bộ về làm công tác Mặt trận mặc dù được cấp ủy rất quan tâm, tuy nhiên một số nơi vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của MTTQ; việc phát hiện và phản ánh, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét xử lý với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; vai trò hoạt động của một số Ban Thanh tra nhân dân trong giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ, hoàn thiện, còn thiếu những cơ chế thực sự có hiệu quả, tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng nên chưa khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tội phạm, các hành vi tham nhũng.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU