An Giang đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Kỳ 1: Nhiều kết quả nổi bật

14/06/2021 - 10:00

 - An Giang là tỉnh miền biên giới Tây Nam, khu vực ĐBSCL, có đường biên giới dài gần 100km, giáp với tỉnh Tà-keo và Kandal (Campuchia). Toàn tỉnh có 11 huyện, thị xã, thành phố, 156 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có 16 Đảng bộ trực thuộc, 800 tổ chức cơ sở Đảng với 65.119 đảng viên (chiếm 3,42% dân số). Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đảng bộ tỉnh đã phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới cách làm trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy lên một tầm cao mới. Cùng với tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm. Đồng thời, đúc kết thực tiễn từ bài học “Lấy dân làm gốc”, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Năm 2017, An Giang đã đạt điểm cao nhất cả nước, đứng nhất toàn quốc trong công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (qua kết quả báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA Index) được Thanh tra Chính phủ công bố). Từ đó đến nay, tỉnh luôn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, phát huy tốt vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể, báo chí và nhân dân, nâng cao hiệu quả giáo dục, ngăn ngừa sai phạm. Đồng thời, đề cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, địa phương và cán bộ công chức, viên chức, góp phần củng cố lòng tin trong nội bộ và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Qua hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 1666/CT-UBND của UBND tỉnh An Giang về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng (từ năm 2016-2020), vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường; việc công khai, minh bạch trong các hoạt động được chấp hành theo quy định gắn với dân chủ cơ sở. Việc xây dựng, ban hành, thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tiêu chuẩn về tài chính và tài sản công có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng ý thức thực hiện đúng quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Hàng năm, số người kê khai tài sản, thu nhập đều đạt tỷ lệ 100%, chỉ có 2 trường hợp đã được xử lý do kê khai tài sản và giải trình biến động tài sản không đúng quy định.

Chánh Thanh tra tỉnh An Giang Võ Thị Siêu cho biết: các cuộc thanh tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Qua thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý những vi phạm, thu hồi tiền và tài sản nộp ngân sách Nhà nước và xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân vi phạm. Qua thanh tra, phát hiện 8 trường hợp sai phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn với số tiền hơn 8,5 tỷ đồng. Số vụ việc phát hiện dấu hiệu hành vi tham nhũng chuyển cơ quan điều tra 14 vụ, liên quan 33 đối tượng, với tổng số tiền hơn 7,8 tỷ đồng; đã xét xử, tuyên án 10 vụ; xử lý hành chính 2 vụ, thu hồi 3 tỷ 373 triệu đồng do hành vi tham nhũng gây ra. Đồng thời, đã xử lý trách nhiệm 25 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng và 10 cá nhân liên quan; trong đó cảnh cáo 24  người, khai trừ  Đảng 1 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng.

Thủ tục hành chính các cấp tiếp tục được rà soát, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Bà Siêu khẳng định: các biện pháp phòng ngừa tham những được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Kết quả thực hiện chỉ thị tác động mạnh mẽ trong cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số đánh công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hàng năm- Bộ chỉ số PACA; đồng thời góp phần nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI hàng năm của tỉnh, trong đó đưa Trục chỉ số 4 về “Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" thuộc số PAPI vào nhóm các tỉnh đạt điểm số cao của cả nước.

Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là một trong những điểm sáng của An Giang, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

UBND đã đề ra kế hoạch và giám sát tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện Chỉ số Chi phí không chính thức là chỉ số nhạy cảm trong chỉ số thành phần cấu thành PCI. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức.

Thanh tra tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ, Thanh tra tỉnh đã chủ trì triển khai thực hiện chỉ số Kiểm soát tham nhũng; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Các cơ quan, tổ chức địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường kiểm soát tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra... bảo đảm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ theo chỉ đạo tại Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 618/UBND-NC ngày 9-7-2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Theo UBND tỉnh, thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số Chi phí không chính thức, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều đã xây dựng và triển khai đẩy mạnh tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công bố, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên Cổng thông tin điện tử các tài liệu, số liệu, nội dung thông tin ở ngành, lĩnh vực quản lý. Niêm yết công khai đường dây nóng (số điện thoại), hộp thư điện tử tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử... của các cơ quan, đơn vị mình để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2020, các đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 218 phản ánh (Sở Giao thông-Vận tải 101, Sở Y tế 6, Sở Khoa học và Công nghệ 83, Sở Tư pháp 7 và UBND TP. Long Xuyên 14, huyện Châu Phú 6, huyện Châu Thành 1) về hành vi hành chính, thủ tục hành chính trong cấp phép, đổi, thi sát hạch giấy phép lái xe, phản ánh về trật tự an toàn giao thông; lĩnh vực tư pháp, hộ tịch; lĩnh vực khám và điều trị bệnh...

HĐND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò là cơ quan dân cử, trách nhiệm của đại biểu dân cử trong hoạt động giám sát tại kỳ họp, giám sát giữa 2 kỳ họp, chất vấn và trả lời chất vấn

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính các cấp tiếp tục được rà soát, đơn giản hóa, niêm yết công khai, nhất là thủ tục hành chính về đất đai, tài nguyên môi trường, cấp phép, đấu thầu, quy hoạch, hoạt động thanh tra, kiểm tra... tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu để thực hiện.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện đều đã trang bị camera giám sát hoạt động của công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm ghi nhận thái độ phục vụ của công chức khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19, Tổ kiểm tra công vụ của tỉnh kiểm tra 4 cuộc tại 6 đơn vị (Sở Y tế, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Long Xuyên, Châu Đốc và huyện Thoại Sơn), kiểm tra đột xuất tại 2 đơn vị (UBND thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú và UBND xã An Hòa, huyện Châu Thành); Tổ kiểm tra công vụ của các huyện cũng đã kiểm tra tại 18 phòng ban và 36 xã. Qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, phát hiện tại Sở Giao thông-Vận tải có 4 trường hợp sai phạm trong quá trình thi hành công vụ và Sở cũng đã tiến hành kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm đối với những trường hợp trên.

Đáng chú ý, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, An Giang đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

An Giang xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đây cũng là công tác luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò là cơ quan dân cử, trách nhiệm của đại biểu dân cử trong hoạt động giám sát tại kỳ họp, giám sát giữa hai kỳ họp, chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đó, cung cấp những thông tin cụ thể, sát thực về tình hình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận.

Ban pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra các báo cáo phòng, chống tham nhũng trước mỗi kỳ họp theo quy định. Quá trình thẩm tra luôn nghiên cứu đầy đủ các tài liệu gắn với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, thông qua đó chủ động đưa ra các giải pháp, kiến nghị, giúp các đại biểu HĐND có thêm căn cứ thảo luận, quyết định tại kỳ họp. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, tại mỗi kỳ họp của HĐND, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung việc xem xét, thảo luận, đánh giá báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí do UBND tỉnh trình. Qua đó đã làm rõ những bất cập, thiếu sót trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tại các kỳ họp cuối năm và giữa năm, HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, duy trì số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của cử tri, qua đó đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri trong tỉnh. Bên cạnh đó, trước kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, Ban pháp chế đã tổ chức giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thường trực, các Ban HĐND đã tổ chức các đoàn giám sát trong đó lồng ghép nội dung công tác phòng, chống tham nhũng khi thực hiện giám sát như: Việc quản lý, sử dụng ngân sách; công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh An Giang; bổ sung thêm nội dung giám sát về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... ; công tác phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại.

Kết quả qua gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50, không có vụ việc tham nhũng liên quan đến thành viên Đảng đoàn, cơ quan HĐND tỉnh. Thông qua công tác khảo sát, giám sát, Thường trực, các Ban HĐND chưa phát hiện vụ việc tham nhũng đối với các cơ quan, đơn vị được khảo sát, giám sát. Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tiếp thu những nội dung đề nghị của HĐND tỉnh về những hạn chế còn tồn tại, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, minh bạch về tài sản, chuyển đổi vị trí công tác...

Thông qua hoạt động giám sát, HĐND tỉnh còn phát huy được vai trò là cầu nối giữa người dân và các cơ quan nhà nước địa phương, là nơi người dân tin tưởng phản ánh, tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU