An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế

31/03/2022 - 07:01

 - Ứng dụng công nghệ công tin (CNTT) là xu thế của thời đại phát triển nền công nghiệp 4.0. Không đứng ngoài xu thế ấy, thời gian qua, ngành y tế An Giang đã triển khai nhiều giải pháp để ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số ngành y tế của tỉnh.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Sở Y tế (VNPT-iOffice) đã kết nối, liên thông gửi nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản của tỉnh, đáp ứng nhu cầu gửi nhận văn bản trong cơ quan Sở Y tế, với Văn phòng UBND tỉnh, với các ban, ngành, địa phương, đơn vị trong ngành.
 

Tỉnh đã ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp qua hệ thống thông tin “một cửa” điện tử và Cổng dịch vụ công Sở Y tế. Trong công tác quản lý bệnh viện, Sở Y tế đang triển khai thực hiện các chương trình y tế điện tử của Bộ Y tế: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế; triển khai thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử, Bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn.

An Giang ra mắt Tổng đài 1022 hỗ trợ, tư vấn F0 điều trị tại nhà để lưu trữ thông tin tiếp nhận trên phần mềm do VNPT An Giang cung cấp

Đặc biệt là ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để theo dõi, điều trị F0 và ra mắt Tổng đài 1022 hỗ trợ, tư vấn F0 điều trị tại nhà để lưu trữ thông tin tiếp nhận trên phần mềm do VNPT An Giang cung cấp; xây dựng “Hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà”... Đây cũng là giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Các bệnh viện tuyến tỉnh đã đầu tư ứng dụng CNTT phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB), như: Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh thực hiện đề án Bệnh viện thông minh cơ bản đáp ứng 90% các tiêu chí của Bệnh viện thông minh theo đúng quy định của Bộ Y tế từ tháng 10/2019 đến nay; Bệnh viện Sản - Nhi An Giang đưa vào vận hành 2 cây Kiosk thông minh phục vụ KCB tại bệnh viện, tạo thuận lợi hơn cho người dân khi tới KCB, giảm thời gian chờ đợi; Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang nhiều năm qua sử dụng các phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện, đáp ứng được các yêu cầu quản lý và nâng cao hiệu quả KCB.

Bệnh viện Sản - Nhi An Giang vận hành 2 cây Kios thông minh phục vụ khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế phối hợp với Tập đoàn Viettel và VNPT triển khai lắp đặt, kết nối trung tâm/phòng hội chẩn, tư vấn, KCB từ xa. Đặc biệt, ứng dụng các nền tảng CNTT: quản lý tiêm chủng COVID-19; khai báo y tế điện tử; phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19; lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm COVID-19 theo hình thức điện tử, trực tuyến...

Năm 2022, Sở Y tế phấn đấu triển khai thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý Trạm y tế xã theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; triển khai thực hiện Bệnh án điện tử tại các cơ sở KCB hạng 1 trước năm 2023 và các cơ sở KCB hạng 2 trở xuống trước năm 2025. Xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ ứng dụng CNTT trong y tế.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang Nguyễn Thị Hạnh cho biết, là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, đơn vị có số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị rất đông. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng KCB tại bệnh viện có ý nghĩa quan trọng, giảm tải áp lực hành chính đối với y, bác sĩ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thời gian tới, bệnh viện tập trung nguồn lực, đào tạo nhân lực để triển khai các gói ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và KCB.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của bệnh viện, hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh; xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh: đăng ký khám bệnh từ xa, tra cứu thông tin y tế trực tuyến, triển khai thẻ KCB thông minh, số hóa kho hồ sơ bệnh án, sẵn sàng tiến đến bệnh án điện tử.

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang sử dụng các phần mềm, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh

Để thực hiện tốt ứng dụng CNTT chuyển đổi số ngành y tế thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các ứng dụng, nền tảng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, đảm bảo mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin KCB, hệ thống phần mềm quản trị hoạt động trạm y tế xã. Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”.

Triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã; hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở KCB. Từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số. Lựa chọn bệnh viện tuyến tỉnh thử nghiệm mô hình bệnh viện 3 không (không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán tiền mặt). Triển khai, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số quốc gia: hỗ trợ tư vấn KCB từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử...

Việc triển khai dữ liệu tập trung, số hóa, liên thông, chẩn đoán/điều trị từ xa, an toàn bảo mật thông tin trong ngành y tế... giúp xây dựng ngành y tế thông minh, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Người dân được biết tình trạng sức khỏe thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, giảm áp lực cho ngành y tế.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU