An Giang đẩy mạnh kết nối số, chuyển đổi số

14/09/2021 - 06:58

 - Đi liền với công nghệ thông tin (CNTT) là Internet kết nối vạn vật toàn cầu, mặc cho giới hạn bởi không gian, thời gian. CNTT không chỉ góp phần quan trọng trong công tác quản lý điều hành, mà còn được ứng dụng thành công trong tất cả các lĩnh vực, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19.

Nếu như trước đây, ít ai nghĩ đến ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp. Vậy mà hiện nay, hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử, được tương tác và kết nối để phát triển. Tỉnh triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Qua đó, các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ chức hợp tác được đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống. Thay vì phải chờ nhiều giờ liên tục để có kết quả xét nghiệm hoặc kết quả khám, chữa bệnh, giờ đây, ứng dụng CNTT, người dân chỉ cần chờ vài phút. Trong việc học cũng vậy, học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu trên Internet. Nhất là, khi cả nước triển khai học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19 thì CNTT càng trở nên quan trọng, hữu dụng hơn.

An Giang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các cuộc họp, hội nghị trực tuyến

Ứng dụng CNTT phòng, chống dịch COVID-19 đang là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng và người dân. Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cùng các sở, ngành, địa phương thiết lập nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng (sử dụng ứng dụng di động phục vụ khai báo y tế điện tử; ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần (Bluezone), quản lý khai báo y tế (Vietnam Health Declaration - VHD), NCOVI).

Triển khai đăng ký, quét mã QR Code tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Bluezone để bảo đảm kiểm soát người ra vào địa điểm, phục vụ truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nền tảng truy vết là sử dụng các giải pháp công nghệ phục vụ truy vết F0, F1, F2 như Bluezone, BTS… Triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19, thông qua cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn) và ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên thiết bị di động.

Đặc biệt, triển khai hiệu quả nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến, để hỗ trợ nhân viên y tế trong quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, khắc phục tình trạng chờ đợi khi xét nghiệm, trả kết quả chậm và giảm tải cho đội ngũ y tế (không phải thao tác thủ công khi lấy khối lượng mẫu lớn).

Theo đó, người dân được yêu cầu cài đặt Bluezone và khai báo y tế để được cấp mã QR cá nhân trên điện thoại. Khi lấy mẫu, họ chỉ cần xuất trình mã QR, nhân viên y tế sẽ quét mã QR này để ghép người cần lấy mẫu với ống nghiệm. Trường hợp lấy mẫu gộp, nhân viên y tế tiếp tục quét mã QR của những người trong nhóm rồi lấy mẫu của cả nhóm đưa vào ống nghiệm là xong quy trình…

 Quét mã QR Code khai báo y tế phòng, chống dịch COVID-19

Tỉnh còn triển khai phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 và bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 để cập nhật vào hệ thống phần mềm (địa chỉ https://covid.yte.gov.vn). Phối hợp doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai các phòng họp trực tuyến đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19; triển khai thử nghiệm Tổng đài 1022 và 1900866613; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương triển khai thử nghiệm Tổng đài 1022 trên địa bàn tỉnh phục vụ tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ công dân, tổ chức gặp khó khăn do dịch COVID-19. Phối hợp VNPT An Giang triển khai thử nghiệm “Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa” và “Hệ thống hội chẩn từ xa”.

Ứng dụng CNTT trong thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ số, như: ví điện tử, tài khoản ngân hàng (Mobile banking, Internet banking), tạo thuận tiện cho người dân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi tiếp xúc gần, giảm rủi ro hơn khi dùng tiền mặt…Đẩy nhanh triển khai và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ người dân và DN trong thực hiện thủ tục hành chính.

Ngày 9-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký văn bản 553/CTr-UBND về triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện về hạ tầng đô thị thông minh tại các thành phố, thị xã, khu vực đô thị trực thuộc. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền dựa trên nền tảng số. DN phát triển dựa trên hạ tầng số, thúc đẩy phát triển DN công nghệ số; người dân tham gia tích cực xây dựng nền tảng xã hội số…

Mục tiêu xây dựng chính quyền số tỉnh An Giang nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu.

Cơ quan nhà nước, chỉ đạo, điều hành trên cơ sở dữ liệu thời gian thực (là hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó sử dụng thời gian thực để xử lý khối lượng công việc - Real time Database). Thúc đẩy chuyển đổi số trong DN sản xuất - kinh doanh; phát triển DN công nghệ số; tạo động lực phát triển xã hội số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: phát triển nền tảng cho chuyển đổi số (chuyển đổi nhận thức, xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu, bảo đảm an toàn - an ninh mạng); phát triển nguồn nhân lực, chính phủ số/chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên (du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông - vận tải và logistics…); hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH