An Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác

27/05/2021 - 03:23

 - Khi hợp tác xã (HTX) được xây dựng bài bản, sẽ là nơi đại diện cho nông dân trong tổ chức sản xuất, thương thảo hợp đồng đầu vào, đầu ra với lượng hàng hóa lớn, theo hướng có lợi cho xã viên. Đối với doanh nghiệp (DN), việc ký kết hợp tác với HTX mang tính pháp lý cao, dễ quản lý hồ sơ, hợp đồng, yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm.

Quyền lợi nông dân được đảm bảo

Là một trong những HTX được UBND tỉnh An Giang chọn đầu tư cơ sở vật chất, hướng đến xây dựng HTX kiểu mẫu, HTX nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân) giờ đây có văn phòng làm việc khang trang, không khác gì DN hiện đại.

Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức sản xuất cho nông dân, ký hợp đồng liên kết với các DN, bản thân HTX còn thực hiện thêm nhiều dịch vụ, nhằm khép kín hoạt động sản xuất - kinh doanh, mang về lợi nhuận cao nhất cho HTX. So thời điểm mới thành lập, số xã viên không ngừng tăng lên, cổ phần góp vốn cũng tăng. Các cán bộ quản lý, kiểm soát, kế toán được gửi đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, từ khi vận hành kho K16, HTX đẩy mạnh tổ chức sản xuất lúa giống, lúa sạch, lúa hữu cơ. Đồng thời, hợp tác với các DN kinh doanh lúa, gạo xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, nếp đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn. “Khi HTX sản xuất được lượng hàng hóa lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng thì dễ thương thảo hợp đồng với DN. Bản thân DN sẵn sàng ký hợp đồng với giá cao hơn bên ngoài để có nguồn nguyên liệu ổn định, giữ gìn uy tín trong làm ăn, không phải vất vả quản lý nhiều hợp đồng so với khi ký nhỏ lẻ từng nông dân” - ông Lô Ba đánh giá.

HTX tổ chức sản xuất lớn, đảm bảo chất lượng yêu cầu doanh nghiệp

Trên địa bàn An Giang, những HTX có khuynh hướng đổi mới, tổ chức sản xuất - kinh doanh hiện đại như HTX nông nghiệp Phú Thạnh đang thu hút đông đảo nông dân tham gia. Ngược lại, những HTX hoạt động kiểu cũ đứng trước 2 chọn lựa: hoặc là chuyển sang kiểu mới hoặc tự giải tán do kém hiệu quả. Thực tế, trong số 246 HTX trên địa bàn tỉnh (tính đến cuối năm 2020), có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp và 13 HTX nông nghiệp yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày, trong đó có 10 HTX thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc và 3 HTX giải thể theo hình thức tự nguyện.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh thành lập mới thêm 56 HTX, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 24 HTX có sự tham gia góp vốn và nhân sự điều hành của Tập đoàn Lộc Trời. Đây là khuynh hướng được An Giang khuyến khích, bởi khi DN gắn quyền lợi trực tiếp với HTX, mối quan hệ hợp tác sẽ bền vững hơn. Khi HTX hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao, cả nông dân và DN đều được hưởng lợi ích.

Hỗ trợ phát triển

Theo UBND tỉnh, hoạt động của HTX trên địa bàn An Giang không ngừng được củng cố và có bước phát triển. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 246 HTX, gồm 180 HTX lĩnh vực nông nghiệp, 24 quỹ tín dụng nhân dân, 25 HTX lĩnh vực giao thông vận tải, 5 HTX lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, 11 HTX lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, 1 HTX lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 900 triệu đồng/năm.

Đối với tổ hợp tác (THT), toàn tỉnh có hơn 800 THT đang hoạt động; doanh thu bình quân mỗi THT đạt 149 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 47,2 triệu đồng/năm. Năm 2020, có 145 THT mới được thành lập với 1.160 thành viên. Các THT mới thành lập xuất phát từ thực tế của người dân và phù hợp quy định, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi.

Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Đến cuối năm 2021, An Giang quyết tâm đưa kinh tế tập thể, HTX của tỉnh thoát khỏi tình trạng yếu kém, trung bình và tăng trưởng ở mức độ khá; đủ năng lực nội tại để vừa phục vụ tốt cho thành viên, vừa tham gia và đứng vững trên thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh sẽ tập trung xây dựng “Hệ sinh thái HTX” phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, gồm: hệ sinh thái lúa gạo, hệ sinh thái cá tra, hệ sinh thái xoài, hệ sinh thái bò sữa, hệ sinh thái heo, hệ sinh thái cửa hàng tiện lợi (bách hóa xanh, nông sản an toàn, OCOP…).

Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển HTX theo hướng liên kết các HTX có cùng nhóm mục tiêu về mua chung và cùng mục tiêu về bán chung (giúp giảm chi phí đầu vào và giảm giá bán đầu ra do mua và bán chung với số lượng lớn sản phẩm). Các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn DN và HTX hợp tác thực hiện hợp đồng “mềm” (không chốt giá trước) và hợp đồng “cứng” (chốt giá trước, có công chứng, có ký quỹ…) để chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cho nhau, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Dự kiến năm 2021, tỉnh sẽ hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, kế toán, thành viên HTX; hỗ trợ thành lập mới 30-50 HTX. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp.

Năm 2021, An Giang phấn đấu đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GRDP của tỉnh 1.250 tỷ đồng, chiếm 1,68% GRDP của tỉnh. Lũy kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 290 HTX và 920 THT. Doanh thu bình quân mỗi HTX là 5,2 tỷ đồng/năm, THT trên 200 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX từ 49-52 triệu đồng/năm...

 

HOÀNG XUÂN