An Giang đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP

07/05/2024 - 06:09

 - “Để thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP, sở, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị trong lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.

Đại tá Trần Văn Cung, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tỉnh thực hiện 6/42 mô hình điểm theo kế hoạch phối hợp giữa Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP Chính phủ và UBND tỉnh.

Đến ngày 10/12/2023, toàn tỉnh thu nhận, đăng ký hơn 1,5 triệu tài khoản (hơn 147% so chỉ tiêu được giao); kích hoạt 976.110 tài khoản (95%). Công an các cấp tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng.

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06/CP

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị lãnh đạo sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả 19 nhiệm vụ chung, 11 nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Chỉ thị 02/CT-UBND, ngày 8/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tiếp tục triển khai 5 nhóm tiện ích tại Đề án 06/CP, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả 25 dịch vụ công.

“Quá trình thực hiện cần có mô hình, giải pháp thiết thực, hiệu quả, nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đối với từng lĩnh vực, chuyển dần từ làm thay sang hướng dẫn công dân tự đăng ký thực hiện. Đồng thời, xác định việc thực hiện Đề án 06/CP là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn thông tin; thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo và hình thức” - đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Bên cạnh đó, sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả 2 nhóm dịch vụ công liên thông về “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” với tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện, nâng cấp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kết quả, tiện ích của Đề án 06/CP, nhằm tạo sự lan tỏa, hướng ứng sâu rộng trong Nhân dân; phát huy vai trò của hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình, thời gian theo quy định; quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của  sở, ngành, địa phương... Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số.

THU THẢO