Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Trương Bá Trạng, những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa gắn liền với triển khai phong trào “TDĐKXDĐSVH” được các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về văn hóa, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn mới đã có sự chuyển biến tích cực; cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Nhiều chính sách phát triển văn hóa của tỉnh được ban hành và thực hiện có hiệu quả.
Điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khóm, ấp văn hóa”, thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” đến các hộ gia đình, khu dân cư và các cơ quan, đơn vị. Tùy vào tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị, từng nơi chủ động lựa chọn, triển khai nội dung thi đua, như: Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các tuyến đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; duy trì tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, xích mích, bất hòa tại cộng đồng dân cư; giúp nhau xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo...
Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương
Các khu dân cư đăng ký thi đua, các tổ chức đoàn thể vào cuộc tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng phong trào “TDĐKXDĐSVH” sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống. Toàn tỉnh có 508.587 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,6% tổng số hộ); 867 khóm, ấp văn hóa (đạt 97,63% tổng số khóm, ấp); 79 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 66,38% tổng số xã); 26 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 70,27%).
6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh An Giang phúc tra và công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tại các xã: Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), An Phú (huyện Tịnh Biên), Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), Phú Long, Phú Xuân, Long Hòa (huyện Phú Tân) và danh hiệu phường đạt chuẩn văn minh đô thị tại phường Long Sơn (TX. Tân Châu).
Đồng thời, phúc tra và công nhận lại danh hiệu xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới” 5 năm liền tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), xã Tân Hòa (huyện Phú Tân) và danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” 5 năm liền tại các phường: Mỹ Xuyên, Mỹ Long, Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) và thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân). Hoạt động điểm sáng văn hóa biên giới tiếp tục được duy trì, toàn tỉnh hiện có 42 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn biên phòng.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được các cấp, ngành quan tâm triển khai, nhân dân tích cực ủng hộ thực hiện, góp phần gìn giữ văn hóa địa phương. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được kế thừa, bảo tồn và phát huy, hình thành nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, tiêu biểu là Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Các hoạt động tuyên truyền, cổ động, triển lãm, thông tin lưu động, thư viện, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh linh hoạt, nâng chất về nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và rèn luyện thể chất của nhân dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội đến rộng rãi trong nhân dân.
Theo ông Trương Bá Trạng, thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào "TDĐKXDĐSVH” các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, vận động toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển phong trào hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở cơ sở. Tiếp tục củng cố, nâng chất và giữ vững các danh hiệu văn hóa đã được công nhận. Tập trung đẩy mạnh phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư, khóm, ấp văn hóa, tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa… gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
THU THẢO