Một chính sách nhân văn, tiến bộ, vì quyền con người

25/07/2025 - 08:08

Nhân dịp 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025), Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1244/2025/QĐ-CTN về đặc xá, với nhiều điểm mới, mở rộng hơn về đối tượng và điều kiện đề nghị đặc xá, giúp mang lại cơ hội hoàn lương cho những người từng sai đường, lạc lối.

Họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2025 (đợt 2). (Ảnh: VGP)

Họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2025 (đợt 2). (Ảnh: VGP)

Ngay sau khi ban hành, Quyết định số 1244 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân.

Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện và lao động để hoàn lương. Mỗi đợt đặc xá là dịp để các phạm nhân nhìn nhận, suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, tự mỗi người đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ và sẵn sàng phấn đấu để tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 10 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn, nhờ đó gần 100.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt được trao cơ hội trở về cộng đồng và làm lại cuộc đời.

Riêng đợt đặc xá 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước đã ký lệnh đặc xá cho 8.055 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và một người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện (chiếm khoảng hơn 4% tổng số phạm nhân đang bị giam giữ).

Góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách đặc xá, ngày 7/7 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định số 1244/2025/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 (đợt 2) cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31/8/2025. Quyết định số 1244 tiếp tục mở rộng đối tượng xét đặc xá.

Thượng tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Các tội danh thuộc Khoản 8, 14, 15, 16 của Điều 4 Quyết định số 266/2025/QĐ-CTN (ban hành ngày 3/3/2025 về việc đặc xá), như một số tội liên quan cướp tài sản sử dụng vũ khí hay phá hoại chính sách kinh tế-xã hội, từng không đủ điều kiện thì nay sẽ được xem xét để đặc xá. Những điều chỉnh về chính sách đặc xá qua từng giai đoạn phản ánh tư duy đổi mới, linh hoạt của Đảng và Nhà nước, qua đó tạo cơ hội cho nhiều phạm nhân có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.

Các phạm nhân được hưởng đặc xá không chỉ được tha tù trước thời hạn mà còn được tham gia các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập. Tiêu biểu có thể kể đến Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Theo đó, mức vốn cho vay áp dụng cho người chấp hành xong án phạt tù, cụ thể đối với vay vốn để đào tạo nghề: mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù; đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù (Điều 6).

Thực hiện Quyết định số 22, đã có hơn 11.000 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện.

Song song đó, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội phát huy vai trò kết nối, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh nếu có. Nhờ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội, nhiều người được đặc xá đã khởi nghiệp thành công, mang lại công ăn việc làm cho cộng đồng.

Đáng mừng hơn, tỷ lệ tái phạm người đặc xá ở mức thấp, như đợt đặc xá năm 2024, có 3.765 người được đặc xá, thì chỉ có 5 người tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,13%. Sự ổn định xã hội tại các địa phương có người được đặc xá là bằng chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách này.

Xét trên bình diện quốc tế, chính sách đặc xá của Việt Nam phù hợp các công ước quốc tế về quyền con người. Cụ thể, với tư cách là thành viên của 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước Chống Tra tấn (CAT), Việt Nam cam kết thực thi các nguyên tắc về đối xử nhân đạo với người bị tước tự do. Điều 10 ICCPR quy định mọi người bị giam giữ phải được đối xử nhân đạo và được tạo điều kiện cải tạo để tái hòa nhập xã hội.

Còn trong Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu sửa đổi của Liên hợp quốc về Đối xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và hỗ trợ phạm nhân. Việt Nam đã hiện thực hóa các nguyên tắc này thông qua các chương trình cải tạo trong trại giam và chính sách hỗ trợ sau khi người được tha tù tái hòa nhập cộng đồng.

Đề cập đến quy trình xét đặc xá, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: “Nguyên tắc căn bản là không có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân quốc tịch Việt Nam và phạm nhân quốc tịch nước ngoài”. Mới đây, dịp 30/4/2025 đã có 48 trường hợp phạm nhân nước ngoài được tha tù trước thời hạn, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Song song đó, Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và các nước như Hà Lan, Bỉ để nâng cao chất lượng quản lý trại giam, bảo đảm điều kiện giam giữ phù hợp Quy tắc Nelson Mandela.

Việt Nam cũng là thành viên tích cực trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2014-2016, 2023-2025. Những thành tựu chúng ta đã đạt được trong các kỳ đánh giá định kỳ phổ quát (UPR) càng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

Những nỗ lực này được phản ánh qua các báo cáo quốc tế, như đánh giá của UNODC về sự tiến bộ của Việt Nam trong cải cách hệ thống tư pháp hình sự, trong đó nhấn mạnh đến tính nhân văn của chính sách đặc xá.

Không ngừng hoàn thiện chính sách đặc xá là minh chứng thực tiễn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với những người lầm lỡ, trao cho họ quyền được cải tạo, quyền được làm lại cuộc đời, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và nhân văn.

Tuy nhiên, nhằm hạ thấp ý nghĩa và làm mất lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, chính sách đặc xá nói riêng, một số tổ chức phản động và cá nhân ở hải ngoại đưa ra cáo buộc rằng, các đợt đặc xá của Việt Nam mang động cơ chính trị để đánh bóng hình ảnh, như đợt đặc xá 30/4 và 2/9 năm nay, đồng thời xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền vì đã giam giữ “tù nhân chính trị” và “tù nhân lương tâm”, rêu rao điều kiện giam giữ tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn quốc tế, vi phạm Quy tắc Nelson Mandela.

Cần khẳng định đây là chiêu trò đánh tráo khái niệm, nhằm đánh lừa dư luận về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, vu khống Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cáo buộc hoạt động đặc xá của Việt Nam mang động cơ chính trị là hoàn toàn vô căn cứ. Những thông tin nêu trên hoàn toàn không có cơ sở, phần lớn là ngụy tạo, sai sự thật.

Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”, không có việc những người bất đồng chính kiến mà bị bắt giữ. Việc xử lý những người vi phạm pháp luật là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự xã hội và an toàn cho người dân.

Nếu như các bản án là minh chứng cho tội danh của các phạm nhân, thì việc đặc xá, tha tù trước thời hạn là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy trại giam của phạm nhân. Ngay cả những cá nhân phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước, được xét xử công khai, vẫn có cơ hội được đặc xá nếu đáp ứng điều kiện cải tạo.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Công an cho thấy, các trại giam trên cả nước đều được trang bị đầy đủ theo quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của phạm nhân, từ chăm sóc y tế đến giáo dục cải tạo. Việt Nam thường xuyên mời các tổ chức quốc tế khảo sát trại giam, thể hiện sự minh bạch trong công tác giam giữ, phù hợp công ước quốc tế.

Chưa kể, mỗi đợt xét đặc xá đều được thực hiện với quy trình chặt chẽ, nghiêm túc, minh bạch, dựa trên Luật Đặc xá. Hội đồng Tư vấn Đặc xá, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan do Chủ tịch nước quyết định thành lập hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm tính khách quan và công bằng trong xét duyệt.

Hiệu quả của công tác đặc xá cũng được chứng minh bằng tỉ lệ tái phạm thấp, đại đa số phạm nhân được đặc xá sau khi ra tù đều nhận thấy và đi theo con đường hướng thiện, thậm chí nhiều người còn trở thành những tấm gương người tốt, việc tốt.

Qua đó càng chứng minh rằng, đặc xá là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta và trên thực tế đã được cộng đồng trong nước, dư luận quốc tế và những người quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam thừa nhận, đồng tình.

Việc mở rộng đối tượng đặc xá năm 2025, bao gồm cả những tội danh trước kia từng bị loại trừ, thể hiện sự nhân đạo và tiến bộ trong chính sách pháp luật của Việt Nam.

Chính sách đặc xá của Việt Nam với những điểm mới được áp dụng cùng những quy định chặt chẽ trong việc triển khai khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng một quốc gia nhân văn, tiến bộ, xã hội công bằng, trật tự.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, chính sách đặc xá góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Theo ĐÔNG Á (Nhân dân)