.jpg)
Mỗi ngày, dì Hoa chăm sóc người chồng thương binh rất chu đáo, tỉ mỉ.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền và ánh mắt bao dung của người phụ nữ ấy. Từng câu, từng tiếng như rót nước ấm, câu chuyện dì kể nhẹ nhàng mà sâu lắng, chất chứa yêu thương.
Dì tên thật là Trần Thị Chí, sinh năm 1946, quê ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cũ - vùng đất đậm mùi bùn, nước ròng, nước lớn lênh đênh, nghèo và lặng lẽ như chính tuổi thơ bà. Là con của một gia đình hai dòng, dì sớm chịu thiệt thòi vì không được cha dượng thương yêu. Những trận đòn oan, những lời rầy la, những bữa cơm lặng thinh, tất cả đã dạy bà cách chịu đựng từ nhỏ.
14 tuổi, dì thoát ly theo cách mạng. Gửi lại sau lưng một tuổi thơ nhiều u uẩn, bà nhận cái tên mới do tổ chức đặt: Trần Thị Hoa. Người trong đơn vị gọi dì là “Hai Hoa”. Dì làm giao liên, tải đạn, văn công, nấu bếp. Gặp gì làm nấy, dì không chọn việc nhẹ, không sợ việc khó. Những chuyến đi xuyên rừng U Minh, xuyên tỉnh như cơm bữa, những lần bị máy bay địch phát hiện truy lùng trên những cánh đồng cũng không làm dì khiếp sợ, vì trong người bà có sự gan lì đặc trưng của người Nam bộ.
Trong những năm tháng ấy, dì gặp ông Nguyễn Văn Hoàng - một chiến sĩ đặc công của Tỉnh đội Rạch Giá. Ông cao ráo, ít nói, trầm lặng mà dứt khoát. Họ quen nhau, rồi yêu nhau. Không có bức ảnh chung nào, chỉ có một buổi tiệc thành hôn nhỏ ra mắt đồng đội, đồng chí, nhưng không thể quên vì bị trực thăng địch phát hiện rượt đuổi qua mấy cánh đồng khi trên đường về nhà chồng. Dù đã thành vợ chồng nhưng công việc của ai người ấy làm, rất lâu mới gặp nhau một lần, còn lời hứa hẹn thì lúc nào cũng thường trực trong suy nghĩ của cả hai.
Năm 1972, ông Hoàng bị thương nặng trong một lần trinh sát đồn địch ở Vĩnh Thuận. Lúc này, ông là Đại đội trưởng đơn vị địa phương quân huyện Vĩnh Thuận. Lựu đạn nổ gần khiến ông mù cả hai mắt, chấn thương toàn thân. Nhận được tin dữ, dì Hoa lập tức ôm con nhỏ lội bộ đi tìm chồng. Chiến tranh khiến việc đi lại khó khăn, mất nhiều ngày đường dì mới tìm đến trại thương binh đóng giữa rừng U Minh.
Họa vô đơn chí, trên đường đi tìm chồng, đứa con đầu lòng mới hơn tháng tuổi của dì bạo bệnh, không qua khỏi. Tim như vỡ vụn, nỗi đau xé lòng bao trùm, nhưng trong khoảnh khắc đau thương ấy, dì không cho phép mình gục ngã mà phải kiên cường để làm chỗ dựa vững chắc cho chồng. Nén nước mắt, dì ngồi bên chồng, lau vết thương, nắm chặt tay ông, nghẹn ngào nói nhỏ: “Em tới rồi. Con bỏ tụi mình rồi...”. Từ hôm ấy, dì ở lại trại luôn, vừa làm công vụ, vừa chăm chồng. Dì sinh tiếp cho ông thêm hai con nữa.
Hòa bình lập lại, gia đình dì cùng hai con nhỏ bồng bế về quê ông ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận cũ, cất căn nhà nhỏ trên nền đất của cha mẹ, sống bằng tất cả những gì còn lại sau chiến tranh. Một thương binh mất sức lao động hơn 90%, một người đàn bà gánh vác cả nhà và hai đứa nhỏ ngơ ngác.
Cái nghèo không làm dì Hoa khuất phục. Dì cấy mướn, gặt thuê, làm ruộng rẫy của gia đình. Sau này, khi ra chợ sống, dì không quản ngại nắng mưa, hàng ngày chèo đò kiếm tiền để nuôi chồng, nuôi con. Có lần trộm vào nhà lấy hết đồ đạc, vật dụng, quần áo, lấy cả cái radio - vật dụng quý nhất trong nhà, người bạn của ông. Nước mắt không rơi, dì nén lòng nói nhỏ: “Thôi, đồ thì mất lại có. Chồng con mà mất mới hết”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng là thương binh đặc biệt, mù hai mắt. Không để chồng mặc cảm, dì Hoa luôn bên cạnh động viên, hàng ngày dìu ông từng bước tập quen với không gian quanh nhà, kiên nhẫn kể cho ông nghe từng tiếng gió, từng âm thanh ngoài xóm, từng bước lớn của con. Những người con lần lượt trưởng thành. Anh hai lớn có cuộc sống kinh tế khá giả, con cháu đề huề.
Anh út tốt nghiệp đại học, làm nhà báo và có bước thành đạt trong nghề nghiệp. Thành công nào cũng in dấu mồ hôi của mẹ. Lần đó tôi hỏi dì: “Dì có hối hận vì cả đời không được sống cho riêng mình không?”. Dì lắc đầu, cười hiền: “Sống được với người mình thương là vui rồi. Thiệt gì đâu”. Câu trả lời ấy như một triết lý sống giản dị mà sâu sắc, gói trọn cả cuộc đời dì Hoa.
Lần thứ hai tôi gặp dì tại căn nhà trên đường Trần Bạch Đằng, phường Rạch Giá. Trong căn nhà này dì đang sống cùng chồng và vợ chồng người con út. Cùng tuổi chồng, nhưng dì Hoa thì khỏe mạnh, nhanh nhẹn, còn ông thì trí óc lúc nhớ lúc quên, chân chỉ bước được từng bước nhỏ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình, dì không quên nấu món riêng để đút cơm cho chồng.
Dì kể chuyện say sưa, lúc nói rất nhanh, khi thì lắng đọng, chậm rãi, nhưng sự hóm hỉnh đặc trưng của người miền Tây thì thường trực. Không một câu nào dì nhận mình cực nhọc, chỉ kể chuyện chồng mình gan dạ, con chăm chỉ, chịu khó rồi cười bảo: “Tui hồi đó cũng có chút nhan sắc đó nghen, ảnh mới chịu cưới!”.
Tuổi càng lớn, sức khỏe ông Hoàng càng giảm sút, dì Hoa chăm sóc chồng càng vất vả hơn. Nhiều đêm ông trở mình đau nhức, mê sảng, dì lại thức trắng, lặng lẽ bên cạnh mà không một lời than vãn. Có người bảo dì chịu cực giỏi quá, dì chỉ cười: “Ảnh còn đó là tui còn vui”. Vừa dứt lời, dì lại gần lấy khăn lau mặt cho chồng, rồi nhẹ nhàng hỏi: “Anh đói bụng chưa, em đút cơm cho anh ăn!”. Nghe đến đây, lòng tôi bỗng rưng rưng, không phải vì một câu chuyện kỳ vĩ, mà bởi nhận thấy một tình yêu bền bỉ được gìn giữ suốt mấy chục năm với tấm lòng son sắt đến khôn cùng...
Có người từng nói với tôi, ở miền Nam, phụ nữ cầm nhà, nghĩa là họ giữ lửa, giữ nề nếp, giữ cả gia phong. Dì Hai Hoa là kiểu người đàn bà như thế. Cầm một căn nhà, giữ một mái ấm, bằng tất cả sự chịu thương, chịu khó, sự hy sinh, lòng nhẫn nại và tình yêu thương vô điều kiện. Dì không làm điều gì to lớn, nhưng dì khiến người ta tin vào điều tử tế, tin vào giá trị bền vững của tình yêu và gia đình.
Trong một xã hội nhiều biến động, những con người như dì chính là nền móng vững chắc cho hạnh phúc gia đình và sự ổn định của cộng đồng. Dì tên Hoa, cái tên nghe mềm như cánh lục bình. Nhưng đời dì không trôi nổi vô định. Đời dì cắm rễ sâu vào lòng đất, vào căn nhà có người chồng mù và những người con biết phấn đấu vươn lên.
Có loài hoa nào không rực rỡ mà vẫn tỏa ngát hương thơm? Nếu có, đó chính là dì Hai Hoa.
Bài và ảnh: TÚ LY