An Giang đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh

10/06/2021 - 04:51

 - Dù vẫn chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng so cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có sự gia tăng. Nếu tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, đặc biệt là cơ hội về thị trường, thương mại điện tử, An Giang có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2021 (xuất khẩu 965 triệu USD).

Phát huy lợi thế

Sau sự kiện tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm (Jasmine 85) sang Châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào tháng 9-2020, Tập đoàn Lộc Trời đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường nhiều tiềm năng này. Nhờ được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, sản phẩm gạo của Lộc Trời có lợi thế cạnh tranh lớn với các quốc gia khác.

Doanh nghiệp (DN) này tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, quy trình chế biến, đóng gói hiện đại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của Nghị định số 103/NĐ-CP, ngày 4-9-2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU). Trong đó, nguồn nguyên liệu lúa tại An Giang đóng góp lớn vào sản lượng gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời.

Năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, lúa, gạo vẫn là mặt hàng có sức “chống chịu” tốt trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, ước 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của An Giang đạt 546,82 triệu USD, tăng 3,94% so cùng kỳ 2020. Trong đó, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 462,1 triệu USD, tăng 3,27%; kim ngạch nhập khẩu đạt 84,72 triệu USD, tăng 7,74% so cùng kỳ.

Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, ước xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt 263.870 tấn, tương đương 141,64 triệu USD, tương đương về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ 2020. Xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 59.770 tấn, tương đương 144,6  triệu USD, bằng 98,62% về sản lượng và bằng 98,97% về kim ngạch so cùng kỳ.

Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hiện đại phục vụ xuất khẩu

Đối với rau quả đông lạnh, ước xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4.700 tấn, tương đương 8 triệu USD, tăng 5,17% về lượng và 5,26% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020. Đối với hàng may mặc, ước xuất khẩu đạt 68 triệu USD, tăng 6,42% (trong đó, xuất khẩu ba lô, túi xách… đạt 16,53 triệu USD, tăng 3,83%; quần áo các loại xuất khẩu đạt 51,48 triệu USD, tăng 7,27%).

Dù xuất khẩu tăng nhưng theo nhiều DN, vẫn còn những khó khăn nhất định. Mặc dù Hiệp định EVFTA tạo điều kiện xuất khẩu nông sản nhưng phía EU thường điều chỉnh và gia tăng các hàng rào kỹ thuật. Điều này buộc DN Việt Nam phải luôn nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các quy chuẩn đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Do tác động của đại dịch COVID-19, DN còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế như: thiếu Container, cước phí vận chuyển quốc tế gia tăng…

“DN rất cần các bộ, ngành Trung ương, các ngành chuyên môn của tỉnh thông tin sớm, đầy đủ về những thay đổi trong chính sách, quy định nhập khẩu để có sự chuẩn bị phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ DN trao đổi, kết nối trực tuyến với các đối tác để xúc tiến xuất khẩu” - đại diện một DN kinh doanh gạo đề xuất.

Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đơn vị thường xuyên phối hợp, tổng hợp các khó khăn của DN xuất khẩu, đặc biệt trong khâu vận chuyển hàng hóa, điều kiện tiếp nhận thông thương hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh các quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Thời gian qua, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức thành công hội nghị - tập huấn kết nối xuất khẩu giữa DN tỉnh An Giang với các tập đoàn phân phối nước ngoài năm 2021. Kết quả đã hỗ trợ 13 DN được tham gia kết nối “B2B” trực tiếp với các tập đoàn phân phối, như: Aeon, Lotte, Amazon. “Hiện nay, các DN đang tiếp tục trao đổi, thương thảo để sớm đưa hàng hóa An Giang vào các hệ thống phân phối cũng như xuất khẩu” - ông Hùng thông tin.

Kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất xưởng

Nhằm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hỗ trợ, kết nối thương mại xuất khẩu, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan và DN trong tỉnh rà soát triển khai thực thi Hiệp định EVFTA trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Qua đó, đề xuất Bộ Công thương xem xét, bổ sung giống gạo Japonica (DS1, Hananomai), Glutinous Rice, OM18, DT8, LOCTROI28, LOCTROI18, ST24, ST25 vào danh mục chủng loại gạo được hưởng hạn ngạch thuế quan xuất khẩu vào thị trường EU. Sở Công thương còn phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu cũng như các Vụ Thị trường thuộc Bộ Công thương thường xuyên cập nhật và kịp thời thông tin đến DN An Giang các quy định mới trong xuất khẩu hàng hóa, điều kiện kỹ thuật, hạn ngạch, thuế quan… để các DN chủ động trong kế hoạch kinh doanh xuất khẩu.

Bên cạnh EVFTA, DN xuất khẩu trong tỉnh còn có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, trong đó có CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) để tăng cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa.

Theo Sở Công thương An Giang, hiện chỉ có một bộ phận nhỏ các DN kinh doanh xuất khẩu gạo, thủy sản, rau quả quan tâm đến việc phát triển thị trường nội địa thông qua các hệ thống phân phối. Đây là thiếu sót lớn bởi nếu chú trọng và tận dụng tốt thị trường trong nước, khả năng tiêu thụ hàng hóa không thua xuất khẩu.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN