Theo đó, đến năm 2020 tỉnh An Giang có 290.035 ha đất nông nghiệp, chiếm 82,01%; đất phi nông nghiệp 62.691 ha, chiếm 17,73%; đất khu kinh tế 30.729 ha, chiếm 8,69%; đất đô thị 54.641 ha, chiếm 15,45% so với diện tích diện tích đất toàn tỉnh.
Trong 290.035ha đất nông nghiệp quy hoạch được sử dụng có 249.106 ha đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa nước 243.810ha), đất trồng cây hàng năm khác 8.232ha, đất trồng cây lâu năm 15.136 ha, đất rừng phòng hộ 121 ha, đất rừng đặc dụng 9.765ha, đất rừng sản xuất 1.527 ha, đất nuôi trồng thủy sản 4.917ha… Đất phi nông nghiệp 62.691ha (trong đó đất khu công nghiệp 646ha, cụm công nghiệp 866ha, đất phát triển hạ tầng 25.184ha…).
Trong đất nông nghiệp, nhiều nhất là đất trồng lúa với 249.106 ha, chiếm 85,8% diện tích đất nông nghiệp; đất trồng cây lâu năm là 15.136 ha; đất rừng 11.413 ha và đất nuôi trồng thủy sản 4.917 ha. Trong giai đoạn 2016-2020, có 8.730 ha đất nông nghiệp được chuyển sang đất phi nông nghiệp (trong đó năm 2018 chuyển đổi 2.112 ha, năm 2019 chuyển đổi 1.849 và năm 2020 chuyển đổi 3.394 ha) và 4.088 ha được chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.
Chính phủ yêu cầu An Giang điều chỉnh hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh theo chỉ tiêu loại đất Chính phủ đã phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất thống nhất với quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch thống nhất, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất sang các mục đích khác, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích đất rừng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Trần Đặng Đức cho biết: "Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh An Giang góp phần khai thác, sử dụng đất, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Việc bố trí sử dụng đất đảm bảo cho 4 mục tiêu cơ bản: tăng trưởng và phát triển; hiệu quả an sinh-xã hội; môi trường, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Thực hiện phân bổ đủ quỹ đất cho phát triển các công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, các dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của tỉnh. Ưu tiên quỹ đất cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là quỹ đất để xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, chú trọng bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh".
Trên cơ sở Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh An Giang sẽ thực hiện xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.
Theo ông Đức, để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, SDĐ đai theo quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Điểm lại kết quả quy hoạch SDĐ giai đoạn 2011-2015 đã góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, làm căn cứ để quản lý, khai thác sử dụng đất có hiệu quả của tỉnh trong thời gian qua. Theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt đã đăng ký 2.240 dự án (trong đó, có 388 dự án thu hồi đất và SDĐ lúa, đất rừng). Nhiều công trình trọng điểm có quy mô lớn đã triển khai như: các tuyến đường tuần tra biên giới; cầu Tân An; mở rộng các Tỉnh lộ 941, 943; xây mới, mở rộng các khu, cụm công nghiệp Xuân Tô, Bình Long, Bình Hòa, Tân Trung, Phú Hòa, An Phú, Vĩnh Mỹ, Mỹ Quý; khu du lịch cáp treo Núi Cấm; khu đô thị cao cấp Sao Mai Bình Khánh 5; khu đô thị Tây Sông Hậu, khu đô thị Golden City; khu liên hợp văn hóa thể dục thể thao; khu thành phố lễ hội Châu Đốc; khu nhà ở xã hội Bắc Hà Hoàng Hổ; Trung tâm hành chính huyện Tịnh Biên, hoa viên nghĩa trang Mỹ Hòa…
Tuy nhiên, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã có sự điều chỉnh tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015-2020), các chỉ tiêu sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 cũng thay đổi, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia cũng được điều chỉnh đã làm thay đổi các chỉ tiêu, định hướng sử dụng đất của quy hoạch sử dụng đất tỉnh đến năm 2020. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất chịu tác động bởi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh An Giang đến năm 2020 là cần thiết, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và môi trường trong giai đoạn tới, đồng thời phù hợp quy định của Luật Đất đai 2013 và các chỉ tiêu sử dụng đất do cấp quốc gia phân bổ, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ý nghĩa hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế đầu tư trên đất, nhất là đất phi nông nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo quỹ đất dự trữ, đất sạch để chủ động đáp ứng nhu cầu đất đai cho mục tiêu kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi để kêu gọi và thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.
Theo HẠNH CHÂU (sokhdt.angiang.gov.vn)