An Giang định hướng mới cho công tác dân số

31/01/2023 - 06:53

 - “Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế An Giang, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cán bộ dân số các cấp và cộng tác viên dân số đã nỗ lực vượt khó, cố gắng thực hiện các hoạt động và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022” - Chi cục phó Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) An Giang Mai Văn Gấm nhận định.

Khen thưởng cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở

Tuy nhiên, cũng theo ông Mai Văn Gấm, công tác DS-KHHGĐ năm 2022 vẫn còn một số khó khăn và hạn chế nhất định, như: Các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ dân số chưa phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm; tổ chức bộ máy làm công tác dân số và mạng lưới cộng tác viên dân số còn phải củng cố, kiện toàn; chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu…

Do vậy, năm 2023, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục đề ra các mục tiêu, giải pháp để vừa phát huy những kết quả đạt được của năm 2022, vừa khắc phục những hạn chế, khó khăn của các tuyến cơ sở đang gặp phải. Năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố dân số hợp lý.

Ước tính dân số trung bình năm 2023 của An Giang đạt 1.915.150 người, tỷ suất sinh 12,47‰, tổng tỷ suất sinh 1,87 con/phụ nữ, tỷ số giới tính khi sinh 108,85 trẻ em trai/100 trẻ em gái, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 8,8%, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 69%.

Về chỉ tiêu chuyên môn, cố gắng điều chỉnh mức sinh tăng 0,2 (điểm ‰) so với năm 2022; tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh là 45% (10.746 phụ nữ mang thai); tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh là 58% (13.852 trẻ); tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tăng 10% so với năm 2022 (đạt 70%, với 15.180 cặp); tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, tăng 15% so với năm 2022 (có 28.980 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 22,62%); số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2023 đạt 161.000 người…

Để đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu chuyên môn nêu trên, Chi cục DS-KHHGĐ An Giang mong rằng, sẽ đảm bảo tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và những khó khăn, vướng mắc tới lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành thực hiện công tác dân số. Tăng cường tham gia của các ban, ngành, sự phối hợp của các đoàn thể để lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các chương trình thực hiện công tác dân số.

Bên cạnh đó, thực hiện truyền thông chuyển đổi hành vi, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số ở các cấp theo các nội dung đã được hướng dẫn. Tổ chức có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp các dịch vụ KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông theo hướng dẫn của Tổng cục DS-KHHGĐ. Tổ chức chiến dịch giảm thiểu mất cân bằng giới tinh khi sinh, Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2023.

Về công tác KHHGĐ, cần đảm bảo đủ phương tiện tránh thai và dịch vụ cho đối tượng miễn phí, đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, nâng cao chất lượng quản lý hậu cần phương tiện tránh thai và chất lượng dịch vụ KHHGĐ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về KHHGĐ.

Góp phần nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tăng cường cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên tại cơ sở. Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức; tập huấn nâng cao năng lực quản lý về công tác DS-KHHGĐ cho đội ngũ cộng tác viên mới và cán bộ mới của cấp huyện, cấp xã.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục duy trì việc điều hành và quản lý kho dữ liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ, thực hiện cập nhật biến động và hoàn thiện kho dữ liệu các cấp. Tăng cường giám sát, kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật, thẩm định số liệu, đảm bảo số liệu có độ chính xác, tin cậy cao phục vụ việc quản lý, điều hành công tác DS-KHHGĐ tại địa phuơng. Đồng thời, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện hành vi vi phạm về tuyên truyền phổ biến các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi và siêu âm chọn giới tính khi sinh, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa phương…

NGỌC GIANG