Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Năm 2023, tỉnh An Giang ước thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt (tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách từ kinh tế địa bàn), 11 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu chưa đạt (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế).
Nhìn chung, kinh tế tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt mức cao so kế hoạch đề ra. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá. Khu vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong dịp lễ, Tết, nghỉ hè. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa, xã hội nhộn nhịp, sôi động; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.
Tuy nhiên, khó khăn nổi lên liên quan đến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; nhu cầu thị trường hàng hóa tăng chậm; giá cả một số mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào tăng; giá vật liệu xây dựng thiếu ổn định, gây khó khăn việc triển khai công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông ngày càng tăng về tần suất, khó dự đoán; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội còn phức tạp; tai nạn giao thông tăng cao so cùng kỳ… Đây là những vấn đề cần được HĐND tỉnh phân tích, bàn thảo, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp và tìm giải pháp tháo gỡ hiệu quả vào năm 2024.
Thường trực HĐND tỉnh họp chuẩn bị nội dung cho kỳ họp cuối năm
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết “bản lề”, giúp điều hành KTXH thời gian tới, như: Quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024; tổng mức vay, kế hoạch vay, trả nợ của ngân sách tỉnh năm 2023, 2024, giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh, bổ sung, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; giao biên chế công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh năm 2024…
Một trong những nội dung đặc biệt của kỳ họp lần này là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 26 chức danh do HĐND tỉnh bầu (gồm 7 chức danh thuộc HĐND tỉnh, 19 chức danh thuộc UBND tỉnh). Phiếu tín nhiệm thể hiện đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh đối với từng cá nhân được lấy phiếu, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đặc biệt, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, chất vấn của HĐND, các ban HĐND tỉnh; kết quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện cam kết, vấn đề đã hứa (nếu có).
Chất vấn những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh dư luận xã hội của Ban Thường trực UBMTTQVN và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân, đề xuất chất vấn của các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị nhiều nhóm vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Ở nhóm vấn đề về nông nghiệp, phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình liên quan cơ chế, chính sách, nguồn lực phát triển ngành nghề nông thôn và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), hỗ trợ phát triển hợp tác xã; công tác quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác bằng hóa chất độc hại, thiết bị, ngư cụ khai thác có tính tận diệt.
Tập trung trí tuệ và dân chủ trong kỳ họp
Ở nhóm vấn đề giao thông - vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an tỉnh… cùng tham gia trả lời chất vấn về công tác quản lý, phòng chống, khắc phục sạt lở tuyến đường giao thông, nhất là giao thông nông thôn; việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Giám đốc Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng trả lời chất vấn về thực trạng thiếu thuốc, vaccine, vật tư y tế, trang thiết bị khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế; việc người khám, chữa bệnh thuộc đối tượng bảo hiểm y tế phải mua thuốc, vật tư y tế (trong danh mục bảo hiểm y tế) bên ngoài cơ sở khám, chữa bệnh. Giám đốc Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe trên 50cm3 đến trường; “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy…
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phát biểu một số vấn đề cần quan tâm khi tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu HĐND, cử tri quan tâm, chất vấn. Những nội dung giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh; kiến nghị trước đây chưa giải quyết sẽ do Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp…
Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (bế mạc vào sáng 8/12). Mong rằng, những quyết sách hệ trọng được thông qua sẽ góp phần khai mở tiềm năng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong năm mới.
Trong quá trình diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh An Giang, cử tri có phản ánh, kiến nghị hoặc trình bày nguyện vọng đối với kỳ họp, đề nghị liên lạc vào số điện thoại: (0296) 3.852.011.
|
GIA KHÁNH