An Giang đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

18/08/2022 - 07:30

 - Những tháng đầu năm 2022, bên cạnh thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, An Giang đã thực hiện nhiều cam kết với doanh nghiệp (DN), như: Giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép để các DN, nhà đầu tư triển khai dự án; tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy, kích cầu dịch vụ, du lịch; tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đây là nguồn động lực to lớn để DN yên tâm phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD) và phát triển.

Doanh nghiệp đóng góp tích cực

Dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự đồng lòng, tích cực của cộng đồng DN và người dân, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh An Giang có nhiều khởi sắc so cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,98% so cùng kỳ, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra.

“Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế đã thể hiện quan điểm “DN mạnh - An Giang mạnh”, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư của tỉnh An Giang. UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp ý nghĩa và trách nhiệm của cộng đồng DN vào sự phát triển KTXH của tỉnh nhà trong thời gian qua, đặc biệt là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do COVID-19; cũng như những ý kiến đóng góp quý báu, đề xuất, kiến nghị thẳng thắn và chân thành của cộng đồng DN đối với lãnh đạo tỉnh thời gian qua, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Sau khi An Giang kiểm soát tốt dịch COVID-19, tình hình đăng ký kinh doanh và thu hút đầu tư trong những tháng đầu năm 2022 dần phục hồi, cải thiện, quy mô các dự án đầu tư tăng cao so cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng có không ít DN vẫn phải tạm ngừng hoạt động, số vốn đăng ký DN mới giảm mạnh so cùng kỳ.

Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chủ động, quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ để tạo điều kiện cho DN yên tâm hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng và hỗ trợ kịp thời các thủ tục hành chính (TTHC) cho nhà đầu tư và DN. Kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của An Giang năm 2021 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 2 bậc so năm 2020.

Những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 465 DN đăng ký mới và 442 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký 3.326 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2021, số DN đăng ký tăng 33,62%, số đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới tăng 87,28%; tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 25,95% (tương đương giảm 1.166 tỷ đồng). Bên cạnh đó, có 77 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,75% (tương đương 19 DN) so cùng kỳ; 96 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động, giảm 6,79% (tương đương 7 đơn vị) so cùng kỳ. Có 256 DN đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 26,73% (tương đương 54 DN) so cùng kỳ; 94 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 154% (tương đương 57 đơn vị) so cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 10.869 DN và đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký gần 76 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh An Giang  đã thu hút được 6 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 456 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, với tổng vốn 14.096 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2021, số dự án được cấp mới giảm 8 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm 171 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 38 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 281,3 triệu USD, tổng vốn thực hiện 173,4 triệu USD (chiếm 61,64% tổng vốn đăng ký).

Chia sẻ, đồng hành, cùng phát triển

Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI đạt mục tiêu vào nhóm điều hành “tốt” của cả nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đồng thời tạo điều kiện để DN phục hồi, đầu tư mở rộng SXKD, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các cơ quan hành chính các cấp, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích, yêu cầu nâng cao chỉ số PCI của tỉnh để hỗ trợ DN. Các sở, ngành phụ trách những chỉ số bị giảm điểm, giảm thứ hạng cần nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm cải thiện vững chắc và nâng cao chất lượng các chỉ số này. Thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung, điều chỉnh giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của DN và sự phát triển của xã hội.

“Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; rà soát, cắt giảm những TTHC rườm rà, không cần thiết để giảm gánh nặng cho DN; nghiên cứu cắt giảm quy trình và thời gian giải quyết TTHC để giảm chi phí, thời gian của DN. Đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, cơ chế tạo quỹ đất, miễn giảm thuế, phí… với quan điểm những quy định nào đã rõ, phù hợp thì cần áp dụng ngay; không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường tính bình đẳng, công khai và minh bạch trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các chính sách của nhà nước, tiếp cận đất đai, TTHC… Đồng thời thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN để tiếp nhận thông tin phản hồi nhằm phục vụ công tác quản lý của ngành, địa phương ngày càng tốt hơn”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

“Các công chức, viên chức phải thay đổi tư duy - chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, xem sự thành bại của DN là sự thành bại của tỉnh nhà, phải biết trăn trở trước khó khăn của DN, từ đó có sự chia sẻ, cảm thông để cùng nhau xây dựng niềm tin và đồng hành phát triển. Đồng thời, cộng đồng DN tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh trên con đường thực hiện mục tiêu đưa KTXH tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh; mỗi DN An Giang sẽ là một đại sứ để quảng bá hình ảnh An Giang, thu hút ngày càng nhiều DN, nhà đầu tư từ các nơi về An Giang đầu tư và hợp tác SXKD, góp phần vào sự thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu

 

 

THU THẢO