Kinh tế - xã hội phát triển
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, KTXH năm 2022 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19… Giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất - kinh doanh (SXKD), vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, tỉnh đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH”. KTXH năm 2022 phát triển và khởi sắc hơn so năm trước.
Trong 15 chỉ tiêu thực hiện đạt, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Điển hình, GRDP bình quân đầu người đạt 53,179 triệu đồng/người/năm (kế hoạch 52,66 triệu đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33.378 tỷ đồng (kế hoạch 30.127 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu 1.155 triệu USD (đạt 100%); tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn 6.830 tỷ đồng (đạt 110,46% kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2%/năm (đạt 100%); có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao (vượt kế hoạch)… Trong năm, có 489 doanh nghiệp (DN) tái hoạt động, 873 DN và 882 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, cao gấp 5 lần số DN và đơn vị rút khỏi thị trường.
Phát huy thế mạnh ngành kinh tế mũi nhọn
Đặc biệt, sau khi COVID-19 được kiểm soát, ngành du lịch của tỉnh đã mở cửa, triển khai các hoạt động kích cầu du lịch… Với những giải pháp đồng bộ, sau hơn 2 năm “ngủ đông”, ngành du lịch An Giang đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong năm 2022, đã có trên 7 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch (tăng 212% so cùng kỳ và đạt 152% kế hoạch); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.300 tỷ đồng (cao gấp đôi so cùng kỳ và đạt 143% kế hoạch cả năm).
Du lịch khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ảnh: THANH HÙNG
Trong năm, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Ước cả năm 2022, toàn tỉnh thu hoạch gần 3,94 triệu tấn lúa, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Đối với hoa màu, sản lượng cả năm khoảng 700.000 tấn, năng suất 220 tạ/ha. Với cây lâu năm, ước sản lượng thu hoạch trong năm 2022 đạt khoảng 269.000 tấn, tăng 9,86% so cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định và tăng trưởng nhẹ so cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, giá bán cá tra nguyên liệu tăng mạnh và duy trì tương đối ổn định trong năm 2022, tạo lợi nhuận lớn cho người nuôi. Ước tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản trong năm 2022 đạt 542.000 tấn (tăng 6,35% so cùng kỳ).
Đầu tư phát triển các công trình trọng điểm
“Một trong những “điểm sáng” trong phục hồi và phát triển KTXH của tỉnh năm 2022 là dù ngân sách của tỉnh nhiều còn khó khăn, nhưng tỉnh vẫn quyết tâm cân đối nguồn vốn tỉnh và tranh thủ Trung ương để phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm, như: Tuyến tránh TP. Long Xuyên, cầu Châu Đốc, nâng cấp tuyến Tỉnh 948, tuyến N1, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... Từ đó, đã góp phần bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội”- ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế một số công trình trọng điểm. Ảnh: G.K - T.THẢO
Cùng với đó, tỉnh đã chủ động tiếp cận, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN để sớm hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Hiện nay, tỉnh có 11 dự án đang hoàn thành thủ tục trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 24.000 tỷ đồng; có 22 dự án được mời gọi đầu tư để ký biên bản ghi nhớ, với tổng vốn dự kiến khoảng 147.000 tỷ đồng. Các ngành, địa phương đang tích cực chuẩn bị dự án, giải quyết những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư để nhanh chóng triển khai và chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 sắp tới.
Thực hiện “2 kiểm soát, 3 trụ cột, 4 an”
“Dự báo năm 2023, tình hình trong nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, UBND tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách mới, nhiều chủ trương đột phá mới, tạo nguồn lực, xung lực mới, tăng tốc trong 3 năm còn lại để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025)”.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả “2 kiểm soát” (dịch bệnh và lạm phát): Không lơ là, chủ quan kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đảm bảo nguồn thuốc và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường kiểm soát giá, bình ổn trị trường, kiểm soát lạm phát nhằm giúp DN phục hồi SXKD và ổn định đời sống nhân dân. Khai thác tốt “3 trụ cột” tăng trưởng tạo động lực phát triển kinh tế, gồm: Tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Đặc biệt, đảm bảo “4 an” (an sinh, an ninh, an toàn và an dân), nghĩa là thực hiện tốt an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn đời sống nhân dân và thực hiện tốt công tác an dân.
Đồng thời, tiến hành sơ kết 5 chương trình trọng điểm, gồm: Chương trình phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; chuyển đổi số; phát triển hạ tầng du lịch; phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh… để phát huy tối đa hiệu quả của các chương trình, tạo nguồn lực tổng hợp phát triển KTXH trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025.
“UBND tỉnh An Giang thống nhất và vừa trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt từ 7,0-7,5%. Đây là chỉ tiêu khá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng qua đó thể hiện tinh thần phấn đấu, tư duy đột phá: Càng khó khăn chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, đột phá mạnh mẽ hơn nữa… nhằm tạo đà tăng trưởng và phát triển cho tỉnh trong những năm tiếp theo” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh. |
THU THẢO