An Giang duy trì, phát triển mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới”

16/08/2021 - 00:43

 - Những năm qua, việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” ở An Giang ngày càng khởi sắc. Các nội dung phong trào gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Tăng cường tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quê hương

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang, toàn tỉnh hiện có 508.587 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,6% so tổng số hộ), 867 khóm/ấp văn hóa (đạt 97,63% so tổng số ấp), 72 xã đạt chuẩn văn hóa NTM (đạt 60,5% so tổng số xã), 25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 67,56% so tổng số phường, thị trấn)... Tổ chức phúc tra công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đối với: xã Phú Bình (huyện Phú Tân); xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hanh, Hòa Bình Thạnh (huyện Châu Thành); xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú); xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới); thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn).

Theo Sở VH-TT&DL An Giang, toàn tỉnh hiện có 73 ấp ở 18 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới (huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu), trong đó có 42 khóm/ấp được công nhận “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Hàng năm, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trên tuyến biên giới, Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về Luật biên giới, Luật biên phòng, Luật biển, đảo… thông qua các hình thức, như: tuyên truyền trên pa-nô tại các khóm, ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới” và phát hành đĩa CD tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên giới với nhiều nội dung phong phú, như: Đảng bộ, quân và dân tỉnh An Giang quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; BĐBP tỉnh An Giang vững mạnh, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; BĐBP với công tác phòng, chống dịch COVID-19; phòng, chống xâm hại, bạo lực ở các xã biên giới; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phòng, chống tội phạm buôn lậu qua biên giới…

Quý IV-2021, Sở VH-TT&DL An Giang sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang thực hiện ấn phẩm tuyên truyền về “Văn hóa ẩm thực vùng biên giới” nhằm giúp du khách, người dân địa phương cập nhật thêm thông tin về văn hóa, ẩm thực vùng biên. Từ đó, làm phong phú thêm kiến thức về văn hóa, ẩm thực cũng như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nét sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây. Qua đó, có thể giới thiệu văn hóa, ẩm thực vào việc phát triển du lịch của địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch An Giang nhằm thu hút du khách đến với các khu, điểm du lịch vùng biên giới.

Nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động VH-TT&DL và gia đình trên tuyến biên giới tỉnh An Giang, Sở VH-TT&DL An Giang đã xây dựng Kế hoạch 1437/KH-SVHTTDL về khảo sát ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới” năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí của “Điểm sáng văn hóa biên giới” phù hợp với tình hình hiện nay của địa phương, nhất là chú trọng đến chất lượng, những mặt mạnh và hạn chế của các khóm, ấp được công nhận “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác phối hợp và tổ chức thực hiện. Khảo sát, tổng hợp làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển “Điểm sáng văn hóa biên giới” giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, nội dung khảo sát về môi trường văn hóa lành mạnh; hoạt động tuyên truyền giáo dục; hoạt động văn hóa, thể thao; việc xây dựng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, mức hưởng thụ văn hóa của người dân; việc xây dựng và phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhân dân và nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Khảo sát thực tế hệ thống truyền thanh; pa-nô; trang thiết bị sinh hoạt văn hóa - văn nghệ; dụng cụ luyện tập thể thao; phòng đọc sách; sân khấu sinh hoạt cộng đồng; hoạt động đờn ca tài tử, hát với nhau; việc phối hợp giữa người dân và BĐBP tại các địa bàn biên giới…

HỮU HUYNH