An Giang giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển

26/02/2024 - 06:15

 - Năm 2024 là năm “tăng tốc” phát triển của tỉnh, nhằm “về đích” kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm (2021 - 2025). Trong đó, việc triển khai tốt các công trình, dự án đầu tư công được xem là đòn bẩy, động lực cho các ngành, lĩnh vực cùng “đua nước rút”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Trong thời gian người người, nhà nhà vui Xuân, đón Tết, trên những công trình trọng điểm của tỉnh, nhất là các công trình giao thông, không khí lao động vẫn tất bật. Ai cũng muốn sớm hoàn thành các tuyến đường, cây cầu để kết nối địa phương phát triển.

Trên công trình cầu Châu Đốc (thuộc gói thầu số 17 của dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp), không khí làm việc luôn khẩn trương, quyết tâm đưa công trình giao thông bắc qua sông Hậu, nối liền TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc ngay trong dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Cầu Châu Đốc được xây dựng bằng bê-tông cốt thép vĩnh cửu, mặt cắt ngang cầu rộng 14m, 2 làn xe cơ giới (3,5m/làn), 2 làn xe hỗn hợp (3m/làn) và lan can cầu mỗi bên 0,5m. Cầu có tổng chiều dài 667m (tính đến 2 đuôi mố), gồm 13 nhịp, trong đó chiều dài cầu chính 260m, chiều dài cầu dẫn phía Tân Châu 213,55m và chiều dài cầu dẫn phía Châu Đốc 193,45m; khổ thông thuyền ngang 75m và đứng 11m. Công trình được khởi công ngày 9/3/2022, giá trị xây lắp hơn 534 tỷ đồng. Nhà thầu đã tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”, đến nay hoàn thành trên 90% khối lượng (vượt tiến độ thi công hơn 20%) để kịp thông xe vào dịp lễ 30/4/2024.

Việc khẩn trương thi công cầu Châu Đốc là một trong những đóng góp vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, bằng nhiều nỗ lực, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt 90,68%. So năm 2022 (tỷ lệ 85,02%) thì tỷ lệ giải ngân năm 2023 cao hơn 5,66%, dù tổng số vốn được giao trong năm 2023 hơn 7.685 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 (gần 6.752,2 tỷ đồng). “Tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn thấp hơn yêu cầu đề ra (trên 95%), nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

UBND tỉnh đặc biệt biểu dương 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95% (có số vốn từ 50 tỷ đồng trở lên), gồm: Công an tỉnh (100%); Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh (97,16%); BQLDA đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh (95,72%); BQLDA đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên (107,35%); UBND huyện An Phú (99,86%); UBND huyện Thoại Sơn (98,94%); UBND huyện ChâuThành (95,49%).

UBND tỉnh An Giang cũng ghi nhân sự nỗ lực, cố gắng và biểu dương 12 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh; yêu cầu 20 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh phải tổ chức rút kinh nghiệm để năm 2024 thực hiện tốt hơn.

Cùng nỗ lực, cố gắng

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của An Giang là trên 8.029 tỷ đồng, tăng gần 381 tỷ đồng so với năm 2023 (kế hoạch vốn năm 2023 trên 7.648 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 3.686 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 4.343 tỷ đồng.

Vốn trong nước trên 3.484 tỷ đồng bố trí cho 12 dự án, gồm 10 dự án chuyển tiếp và 2 dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, như: Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (qua tỉnh An Giang).

Đối với vốn ngoài nước trên 202 tỷ đồng (chiếm 5,48% tổng vốn ngân sách Trung ương), bố trí thực hiện dự án nâng cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản - Nhi An Giang. Vốn ngân sách địa phương năm 2024 gần 4.343 tỷ đồng, bố trí thực hiện theo ngành và lĩnh vực 160 dự án; chuẩn bị đầu tư 4 dự án; khởi công mới 40 dự án...

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang Nguyễn Hữu Nghị cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, có phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi từng dự án, gửi về Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 29/2/2024 để theo dõi, tổng hợp báo cáo.

"UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục; quyết toán vốn kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định; triển khai thi công dự án phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả sau đầu tư; chủ động rà soát và đề xuất khối lượng cát đảm bảo cho các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm được kịp thời” - ông Nghị thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, năm 2024 là năm then chốt, tăng tốc phấn đấu để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 - 2025) và kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, người đứng đầu các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; xác định vốn đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển KTXH. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình; xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu; đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024.

“UBND tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra trực tiếp các chủ đầu tư, các dự án có khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý, tháo gỡ cho các chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công và giải ngân kế hoạch vốn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN