An Giang hiện thực hóa 3 khâu đột phá

15/08/2024 - 06:45

 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch (DL); nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, An Giang đã đạt những kết quả tích cực.

Đầu tư phát triển hạ tầng

“Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL” là một trong 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Đây là cơ sở, định hướng quan trọng, là kim chỉ nam dẫn dắt công tác chỉ đạo, điều hành để Đảng bộ, chính quyền các cấp, sở, ban, ngành tỉnh tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa nghị quyết, cũng như đề ra nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ.

Đến nay, tỉnh tập trung thực hiện các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, như: Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), từ năm 2017 đến nay, đã hoàn thành 40 cầu; xây dựng và khánh thành dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (dài 17,3km); phối hợp tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc (dài 667m). Bên cạnh đó, thực hiện và hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng khác.

Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư công tập trung phân bổ cho 69 dự án hạ tầng giao thông, tổng vốn 15.420 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh. Tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, thành lập 3 khu công nghiệp, thu hút 29 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 7.237 tỷ đồng. Trong đó, 1 khu công nghiệp quy mô 193,3ha dự kiến khởi công trong năm 2024.

“Thời gian qua, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, nhanh chóng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KTXH.

Nhiều công trình, dự án khác được đầu tư xây dựng, kết nối vùng miền, giao lưu kinh tế và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử nhằm phát triển DL, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tạo động lực, điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đây là nền tảng, điều kiện không thể thiếu, là động lực khai thông tiềm năng, lợi thế để phát triển KTXH và tạo bước đột phá của tỉnh trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.

Chăm lo công tác cán bộ, cải cách hành chính

Thực hiện khâu đột phá về “nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, tỉnh tập trung nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, liêm chính, dân chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC-VC.

Nhờ thực hiện tốt công tác cán bộ, đội ngũ CBCC-VC của tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đến nay, 100% cán bộ diện cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên. Trình độ chuyên môn và chính trị của đội ngũ CC-VC ở cơ sở tăng lên đáng kể, tỷ lệ CC-VC có trình độ đại học trở lên đạt cao so nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thực hiện khâu đột phá về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3, 4 chiếm 77% (1.586 dịch vụ).

100% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại đơn vị, địa phương được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, DN có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) từ ngày 20/6/2022, bước đầu tích hợp 10 lĩnh vực về KTXH, an ninh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương.

TTHC ngày càng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện; thực hiện số hóa, ứng dụng tiếp nhận và giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến trên môi trường điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, nâng cao hiệu quả dịch vụ bưu chính công ích. Tỷ lệ TTHC giải quyết đúng và sớm hạn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đạt tỷ lệ cao trên 90%. Số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua kết quả Chỉ số PCI nhiều năm qua cho thấy, mặc dù môi trường kinh doanh của tỉnh có chuyển biến nhưng chưa rõ nét, chưa ổn định do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tỉnh sẽ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện để đề ra giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ, phát triển, đáp ứng nhu cầu chính đáng của DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, DN và Nhân dân trong tỉnh, các chính sách, giải pháp thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã mang lại hiệu quả tích cực. Tình hình KTXH của tỉnh có nhiều khởi sắc và tăng trưởng vững chắc qua từng năm. Từ đó, tạo khí thế, động lực mới trong tăng trưởng và phát triển của tỉnh trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

THU THẢO