An Giang: Hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

14/11/2023 - 06:44

 - Chỉ trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh An Giang đã 4 lần tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN). Những lần kết nối giúp lãnh đạo DN và các ngân hàng gặp nhau, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc để DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh (SXKD), trong khi ngân hàng cũng giải ngân được nguồn vốn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Chủ động kết nối

Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh cho biết, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã quán triệt đến các chi nhánh ngân hàng thương mại tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, tập trung chủ yếu các giải pháp về công tác tín dụng phục vụ cho vay phát triển kinh tế địa phương, chú trọng xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi, phát triển SXKD...

Đồng thời, tổ chức các hội nghị kết nối để DN gặp gỡ, tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Qua đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội...

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh trao đổi tại hội nghị

Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 105.938 tỷ đồng, tăng 3,78% so cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay DN là 26.300 tỷ đồng, tăng 6,88% so cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng đảm bảo tốt, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,52% so tổng dư nợ, thấp hơn quy định (3%).

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang, tăng trưởng tín dụng hướng vào phục vụ nhu cầu SXKD; các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh (thủy sản, lúa gạo) có mức tăng trưởng mạnh. Các tổ chức tín dụng đã tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện giảm lãi suất cho vay để chia sẻ bớt khó khăn với khách hàng, có những gói tín dụng ưu đãi để góp phần đồng hành cùng DN phục hồi và phát triển SXKD hiệu quả.

Vẫn còn khó khăn

Theo Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh, dù kinh tế phục hồi nhưng nhiều DN vẫn còn khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm, đơn hàng thu hẹp, buộc phải cắt giảm lao động, công suất. Khó khăn trong SXKD kéo theo mức tăng trưởng tín dụng chưa nổi bật (trong 9 tháng của năm 2023 tăng 3,78%, trong khi cùng kỳ tăng 7,85%). Đây cũng là tình hình chung, khi bình quân tăng trưởng tín dụng toàn quốc trong 9 tháng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,2%).

“Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng hỗ trợ DN thủy sản, chỉ đạo cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, 4 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi cần có độ trễ nhất định” - ông Chánh thông tin.

Tại An Giang, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác tín dụng, tiếp nhận thông tin và tháo gỡ khó khăn, giúp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tổ công tác tại địa phương, kịp thời ghi nhận và báo cáo khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ cho vay SXKD, tăng cường truyền thông về chính sách tín dụng cho khách hàng, kết nối ngân hàng với DN, hợp tác xã (HTX), hộ SXKD…

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - DN lần thứ 4/2023, DN phấn khởi khi các vướng mắc trong tiếp cận tín dụng đều được đối thoại, tháo gỡ trực tiếp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp không đủ tài sản thế chấp, việc tiếp cận vay tín chấp vẫn còn khó khăn.

“Bơm” vốn vào chuỗi giá trị lúa gạo

“HTX không có tài sản riêng để thế chấp nhưng chưa thấy chính sách tín dụng mở theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ. Các ngân hàng nên nghiên cứu cho vay dựa trên phương án SXKD hiệu quả, khả năng trả nợ của HTX” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) Nguyễn Hữu Tắc chia sẻ.

Các đại biểu dự Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lần thứ 4/2023

Với HTX Nông nghiệp Tây Phú (huyện Thoại Sơn), đang thế chấp tài sản vay vốn, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cần vay ưu đãi thêm 2 tỷ đồng trên phương án SXKD. Tương tự, HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn) đang có hợp đồng liên kết với DN. Nếu được vay tín chấp khoảng 3 tỷ đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp cung cấp cho thành viên thì lợi nhuận sẽ cao hơn.

Đến cuối vụ, khi DN mua lúa của thành viên theo hợp đồng, HTX sẽ thuận lợi thu hồi vốn trả ngân hàng. Với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), nếu được vay vốn tín chấp để đầu tư tàu du lịch đạt chuẩn, xe điện đưa khách tham quan, phát triển nông nghiệp sạch, rau thủy canh phục vụ du khách, HTX cam kết được hiệu quả để trả nợ.

“Tôi thấy Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay tín chấp theo nhu cầu SXKD của hộ nghèo, cận nghèo, cho vay sinh viên, khả năng thu hồi nợ rất tốt. Nếu ngân hàng thương mại có cơ chế cho vay tín chấp theo phương án SXKD của HTX, chúng tôi cam kết sẽ thanh toán đầy đủ theo mùa vụ” - Giám đốc Điều hành HTX Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) Nguyễn Phú Cường gợi ý.

 “Bơm” vốn tín chấp vào chuỗi giá trị lúa gạo cũng là câu chuyện mà các DN lương thực đang cần. Điển hình như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), đang liên kết sản xuất 2.000ha lúa chất lượng cao, 1.000ha theo mô hình lúa - tôm, cần nguồn vốn tín chấp khoảng 200 tỷ đồng để mở rộng liên kết.

Với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đang cần các nhu cầu dòng tiền để mua vật tư cung cấp cho nông dân; cho nông dân vay tiêu dùng trong cả vụ; vốn cho thương lái thu mua lúa vào cao điểm; vốn cho các nhà máy, đối tác mua lúa tồn trữ để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Trước mắt, Tập đoàn Lộc Trời đang cần nguồn vốn tín chấp khoảng 7.000 tỷ đồng cho 5 công ty con và 1 đối tác liên kết thu mua lúa.

“Nguồn vốn cung ứng dựa trên hợp đồng chuỗi liên kết chặt chẽ. Thời gian cho vay nên theo chu kỳ mùa vụ (khoảng 4 - 6 tháng), cấp tín dụng qua tài khoản cá nhân, khấu trừ khi thu mua lúa, thanh toán vật tư cuối vụ” - ông Võ Văn Vang (Giám đốc vùng An Giang của Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) phân tích.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - DN lần thứ 4/2023, nhiều ngân hàng cho biết đang có sẵn nguồn vốn cho DN vay phục vụ SXKD, trong đó có hình thức cho vay tín chấp lên đến 50% vốn điều lệ. Điều quan trọng là DN phải có báo cáo tài chính minh bạch, rõ ràng, xây dựng được phương án SXKD hiệu quả. Đối với cho vay tín chấp vào chuỗi giá trị lúa gạo, dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất, hợp đồng xuất khẩu, một số ngân hàng đã mạnh dạn tham gia và nghiên cứu mở rộng mô hình này

 

 

NGÔ CHUẨN