Việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ số góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất - kinh doanh trên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng, củng cố lòng tin của DN và người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực phát triển địa phương.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đã có sự phát triển bứt phá, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng, công nghệ số tại nhiều DN nhỏ và vừa vẫn còn rời rạc do thiếu các giải pháp thiết thực, chưa có chiến lược thực hiện chuyển đổi số rõ ràng ngay từ đầu. Điều đó dẫn đến chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi.
Để giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, marketing, mới đây, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số. Qua đó, cung cấp nội dung căn bản về việc kinh doanh online cho DN.
Tại lớp tập huấn, đại diện các DN được hướng dẫn thiết kế và xây dựng thương hiệu, biên tập video giới thiệu sản phẩm, tạo phiên livestream ngắn bán hàng; thiết kế logo, bao bì sản phẩm, sắp xếp thông tin hợp lý để thu hút khách hàng… Bên cạnh đó, giảng viên Trường Đại học An Giang còn hướng dẫn chụp ảnh sản phẩm với lightbox; sắp xếp bố cục, ánh sáng chụp ảnh sản phẩm; xử lý ảnh sau chụp… Hướng dẫn livestream bán hàng trên Facebook; chạy quảng cáo trên Facebook, Zalo…
Đại diện các DN còn được giới thiệu về xu hướng kinh doanh online, ưu điểm và rủi ro; các hình thức kinh doanh online; tiêu chí lựa chọn sản phẩm kinh doanh online; các nền tảng kinh doanh online phổ biến hiện nay...
Ngoài ra, đại biểu còn được tiếp cận thông tin về xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt; lợi ích thanh toán không dùng tiền mặt; các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… Đồng thời, giới thiệu về sàn thương mại điện tử Postmart.vn, với những thông tin liên quan đến điều kiện, quy trình hợp tác; hướng dẫn đăng ký tài khoản bán hàng…
Những nội dung do chuyên gia truyền tải góp phần trang bị những kiến thức chuyên môn mang tính cơ bản, hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ số tạo ra các dịch vụ mới; hình thành phong trào chuyển đổi số trong cộng đồng DN. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất - kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Từng bước hình thành cộng đồng DN công nghệ số và DN số trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi, lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu giải pháp chuyển đổi số cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang". Đề tài do Trường Đại học An Giang chủ trì và PGS.TS Đoàn Thanh Nghị làm chủ nhiệm. Trước đó, trong khuôn khổ đề tài đã tổ chức 4 lớp tập huấn lý thuyết ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo bà Kim Chi, tổng số các DN vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, trên 90% DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với các DN này, việc chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, chủ yếu là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế. “Thông qua lớp tập huấn giúp DN tiếp cận với chuyển đổi số từ những bước căn bản nhằm tăng doanh số kinh doanh. Từ đó, tạo tiền đề trong việc chuyển đổi số ở các khâu: Sản xuất, điều hành, chăm sóc khách hàng…” - bà Kim Chi chia sẻ thêm.
Để giúp các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các DN nhỏ và vừa; hợp tác xã, hộ kinh doanh… sẽ được hỗ trợ tư vấn, tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ hỗ trợ tổ chức hội thảo, hội nghị liên quan đến chuyển đổi số DN; tổ chức mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số…
Mục tiêu đến năm 2025, có 100% hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và vừa có thể dễ dàng trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, các hộ, cá nhân kinh doanh, DN có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số. Phấu đấu có 80% DN sử dụng hợp đồng điện tử; 50% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu từ 7%; trên 2% nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động.
Đến năm 2030, có 100% DN sử dụng hợp đồng điện tử; 70% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu từ 8%; trên 3% nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động. Đồng thời, số người được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho DN hàng năm từ 500 - 1.000 người…
ĐỨC TOÀN