Liên đoàn Lao động huyện Châu Phú hỗ trợ bếp ăn “3 tại chỗ” tại Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Hồng Ngọc
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) cho biết, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo kịp thời các đơn hàng cho đối tác, trên địa bàn thành phố đã có 2 DN: Công ty Cổ phần thực phẩm Hưng Phúc Thịnh và Công ty Cổ phần XNK thủy sản Cửu Long tham gia sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”.
Để chia sẻ, đồng cảm với DN và NLĐ gặp khó khăn trong sản xuất, điều kiện lao động, việc làm trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, LĐLĐ thành phố đã xuất một phần kinh phí hỗ trợ những phần quà thiết yếu cho DN. Mỗi phần, gồm: 2 thùng khẩu trang, 1 thùng nước rửa tay khử khuẩn, trị giá 8.730.000 đồng.
Còn tại huyện Châu Phú, có 5 DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, ngày 29-7 có thêm 1 DN may mặc trong số này ngưng hoạt động, các DN khác quy mô sản xuất nhỏ (dưới 10 người). Công ty XNK thủy sản Hồng Ngọc có 256 công nhân được LĐLĐ huyện hỗ trợ lương thực, thực phẩm đóng góp vào bếp ăn “3 tại chỗ”, gồm: gạo, mì gói, cá hộp, thịt tươi và hơn 1 tấn rau, củ… tổng trị giá 20 triệu đồng.
Trong khi đó, phần lớn các công ty thuộc Khu công nghiệp (KCN) Bình Long (huyện Châu Phú) và KCN Bình Hòa (huyện Châu Thành) đã tạm ngưng hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để chia sẻ khó khăn với công nhân lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, công đoàn các KCN tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ cho 103 đoàn viên, NLĐ tại KCN Bình Long và 50 NLĐ tại KCN Bình Hòa.
Đến ngày 27-7, có 8 DN có công đoàn cơ sở trực thuộc tỉnh đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Trước mắt, LĐLĐ tỉnh trích kinh phí từ nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ cho 4 đơn vị, mỗi đơn vị 10 triệu đồng (gồm 5 triệu đồng tiền mặt; 5 triệu đồng bằng hàng hóa: trứng, cá hộp, nước tương, dầu ăn, sữa).
Cụ thể, gồm: Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi thủy sản An Giang (Công ty nông sản thực phẩm An Giang) tại phường Mỹ Thới, có 180 lao động; 3 nhà máy tại Châu Phú, Chợ Mới, Bình Khánh thuộc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang có tổng số 450 lao động; 3 nhà máy đặt tại huyện Châu Thành và Thoại Sơn của Tập đoàn Lộc Trời, tổng cộng 200 lao động; 6 nhà máy của Công ty xuất nhập khẩu An Giang, với tổng số 197 lao động.
Ngoài ra, có 16 DN có công đoàn cơ sở trực thuộc cấp huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, với tổng cộng 1.028 công nhân lao động, bên cạnh kinh phí công ty hỗ trợ, huyện sẽ vận động xã hội hóa để “tiếp sức” thêm cho các DN trong giai đoạn này.
Thăm hỏi tình hình làm việc, ăn ở của người lao động trong môi trường “3 tại chỗ”
Ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, LĐLĐ tỉnh đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện các chính sách này, tập trung các công việc chủ yếu: theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN; đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội theo quy định cơ quan nhà nước ở địa phương.
Cùng với đó, tuyên truyền, giám sát các quy định của nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam về chế độ, chính sách, chi trả, hỗ trợ cho NLĐ trong DN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất, lao động. Ngoài ra, tổ công tác này sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các DN và công đoàn cơ sở các đơn vị, DN, nắm tình hình khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách để phản ánh, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
MỸ HẠNH