An Giang hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

05/04/2022 - 06:43

 - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh An Giang hầu hết đều sống ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Trong đó, hộ nghèo DTTS tập trung chủ yếu tại huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, tỉnh đã và đang thực thi nhiều chính sách, tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn và vùng đồng bào DTTS.

Ngoài những chính sách chung, đồng bào DTTS ở vùng khó khăn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù, như: Nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn, vay vốn thoát nghèo, hỗ trợ vật nuôi/cây trồng cải thiện sinh kế... Hộ anh Chau Săm Bô (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) trong số những trường hợp thoát nghèo tiêu biểu ở vùng khó khăn. Hơn 10 năm lập gia đình ra riêng, cũng là quãng thời gian cuộc sống của anh Săm Bô chật vật với cái nghèo và lao động vất vả.

Anh Săm Bô cho biết, gia đình nương tạm trong căn nhà lá, không có đất sản xuất nên phải làm thuê đủ công việc. Quyết tâm cải thiện cuộc sống, ngoài việc làm thuê trong nông nghiệp, anh còn theo học nghề xây dựng, từ phụ hồ nay đã là thợ chính.

Năm 2009, anh Săm Bô được hỗ trợ nền nhà theo chương trình 167 của Chính phủ, kế đến là hỗ trợ bò giống để chăn nuôi. Năm 2020, anh tiếp tục được hỗ trợ học nghề và tặng thiết bị phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, máy sạ lúa trong chương trình giảm nghèo.

“Tôi làm liên tục không nghỉ, hết việc này quay sang việc khác. Có hôm nhận xịt thuốc đến 30 bình, mệt nhưng vẫn ráng. Hiện nay, công việc chính là làm thợ hồ và xịt thuốc, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày. Nhờ nhà nước quan tâm hỗ trợ, tôi có điều kiện vươn lên. Từ năm ngoái, tôi đã thoát diện hộ nghèo, căn nhà tạm trước đó được cất mới khang trang trị giá hơn 260 triệu đồng” - anh Săm Bô phấn khởi cho hay.

Nhiều mô hình sản xuất được triển khai trong đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Tại huyện Tịnh Biên, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ Chương trình 135 được các xã triển khai nối tiếp hàng năm. Trong đó, có các mô hình hỗ trợ hộ nghèo, như: Nuôi bò, trồng đậu phộng và 10 mô hình thực hiện ở 7 xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, hộ nghèo, trong đó có đồng bào DTTS, được thụ hưởng các chính sách về hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, hỗ trợ nhà ở, vay vốn tín dụng, ưu tiên tham gia các mô hình giảm nghèo bền vững…

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, tỉnh còn quan tâm công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS, dành kinh phí mở lớp tập huấn nghề, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, chủ động nguồn nước tưới tiêu, gia đình ông Chau An (huyện Tịnh Biên) đã sản xuất được 2 vụ lúa.

Ông Chau An cho biết, trong vùng đồng bào DTTS Khmer còn có nhiều hộ nhờ được vay vốn ưu đãi đã phục hồi nghề nấu đường thốt nốt, đầu tư trồng trọt hoặc tìm kiếm mô hình mới để phát triển. Đời sống người dân Khmer ngày nay đã được cải thiện đáng kể về vật chất, tinh thần, nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo. Những hộ đã được nhà nước quan tâm tiếp sức đều nỗ lực làm ăn, chịu khó, chứ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 687/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 10 dự án lớn và các tiểu dự án liên quan đến phát triển KTXH gắn với điều kiện đặc thù địa phương, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giải quyết các tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất…

Tỉnh An Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng từ 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%/năm, có ít nhất 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp và 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Về cơ sở hạ tầng, phấn đấu đạt 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê-tông hóa. Phấn đấu đạt 70% ấp vùng đồng bào DTTS có đường đến trung tâm được cứng hóa… Ngoài ra, trong lộ trình 5 năm sẽ nâng dần tỷ lệ hộ vùng đồng bào DTTS sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ học sinh đến trường theo các cấp học.

Mục tiêu của kế hoạch là khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó là giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Đồng thời, giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ.

Song song với mục tiêu giảm nghèo là phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân. Từ đó nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Tăng cường thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

MỸ HẠNH