An Giang huy động nguồn lực để phát triển bền vững

17/05/2024 - 06:15

 - Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, những năm qua, An Giang có nhiều giải pháp để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Khai thác tiềm năng, lợi thế

An Giang nằm ở vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, biên giới dài gần 100km giáp Vương quốc Campuchia. Có địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng, tỉnh còn có đặc trưng riêng biệt: Vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn nền văn hóa lúa nước cổ xưa; nhiều cảnh quan thiên nhiên sông nước, đồng lúa, núi non kỳ vĩ… tạo bức tranh sơn thủy, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo.  

Những năm qua, An Giang tập trung nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đi đôi với từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập, phát triển toàn diện, bền vững KTXH gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp có lợi thế, nâng cao giá trị ngành công nghiệp, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực của địa phương.

Hạ tầng thông tin được đầu tư, phát triển đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, xác định phát triển nguồn lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển KTXH, thời gian qua, tỉnh chú trọng đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; phát triển tiềm năng du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chất lượng dân số. Đặc biệt, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực

Hiện nay, tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU, ngày 5/12/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch 518/KH-UBND, ngày 17/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025 (giai đoạn 2).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhận định: “Công tác xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, góp phần tăng cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, hội nhập quốc tế”.

Trong 3 năm (2021 - 2023), có 20.874 nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đào tạo, bồi dưỡng (đạt 53,5% kế hoạch giai đoạn 2); 2.425 người phục vụ phát triển du lịch được đào tạo, bồi dưỡng (đạt 45,2% kế hoạch); 15.700 nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông được đào tạo, bồi dưỡng (đạt 71,8% kế hoạch). Tỉnh bố trí ngân sách thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực hơn 19,4 tỷ đồng, kết quả thực hiện hơn 15,7 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực y tế, nhân lực tỉnh đủ số lượng, trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kỹ thuật tốt, có phẩm chất, đạo đức, có ý thức phục vụ Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. “Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ tỉnh đạt 9,6 bác sĩ/10.000 dân (1.830 bác sĩ/1,9 triệu dân). Dự kiến phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 11 bác sĩ /10.000 dân; 100% trạm y tế xã có ít nhất 1 bác sĩ; 70% bác sĩ tại trạm y tế được đào tạo y học gia đình" - TS. BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ năm 2020 đến nay, Sở Y tế tuyển dụng mới 640 viên chức cho các đơn vị trực thuộc. Năm 2024, đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình UBND tỉnh phê duyệt khoảng 1.000 viên chức; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực y tế.

Hướng về nguồn lực hạ tầng

Bên cạnh việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tỉnh còn tập trung phát triển nguồn lực cơ sở vật chất, hạ tầng KTXH. Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh dài 5.628km; hệ thống sông, kênh phục vụ giao thông thủy có 319 tuyến, dài 2.703km, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH địa phương, hình thành nên mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại liên hoàn, kết nối được với hệ thống giao thông tỉnh, thành phố lân cận.

Phát huy hiệu quả nguồn lực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để thu hút đầu tư tư nhân, đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút được 30 doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất - kinh doanh tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), Bình Long (huyện Châu Phú) và Xuân Tô (TX. Tịnh Biên), tổng diện tích cho thuê trên 131ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.825 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại các khu kinh tế cửa khẩu, thu hút được 18 dự án hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đa dạng ngành nghề, tổng diện tích cho thuê hơn 23ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 705 tỷ đồng.

Qua đó, tạo tín hiệu tốt, góp phần thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ, hạ tầng đô thị, logistics, chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển khu, điểm du lịch. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, với 9 dự án trọng điểm về giao thông do tỉnh đầu tư. Các cấp, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng thông tin thông qua việc ra mắt Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh, 8 đơn vị cấp huyện.

Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy tối đa nguồn lực, KTXH năm 2023 của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, GRDP ước đạt 7,34%; GRDP bình quân đầu người 60,55 triệu đồng. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được tập trung thực hiện toàn diện, góp phần đem lại đời sống ổn định, thị trường phát triển cho người dân và doanh nghiệp.

Phát triển toàn diện, hiện đại

Đảng bộ tỉnh xác định, đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...

Để đạt được mục tiêu này, An Giang tiếp tục khai thác, huy động dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới. Đồng thời, xây dựng kịch bản, lựa chọn phương án phát triển, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; bố trí, sắp xếp không gian phát triển mới của tỉnh.

Tỉnh tiếp tục cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động KTXH, quốc phòng - an ninh; xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tỉnh có thể đạt được mục tiêu, khát vọng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và thịnh vượng.

“An Giang tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển KTXH. Nắm bắt cơ hội, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mekong” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Theo đó, tăng cường truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá, thông tin và kế hoạch đào tạo, xu hướng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả. Tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh đào tạo, cơ chế chính sách trong thu hút, đãi ngộ, sử dụng cán bộ để đảm bảo về số lượng và chất lượng theo quy hoạch phát triển ngành, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ.

Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng đồng bộ tại khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tăng cường xã hội hóa hoạt động đầu tư, thu hút mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả trong và bên ngoài hàng rào tại khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng khu công nghiệp: Định Thành, Bình Hòa mở rộng, Xuân Tô mở rộng, Hội An, mở rộng quỹ đất nhằm thu hút ngành nghề thân thiện với môi trường, mang lại giá trị kinh tế cao…

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chủ động triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp về quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất dự toán thu được giao. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đất đai, chủ động lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp; quy hoạch phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển nông thôn mới.

Thực hiện các mục tiêu bảo đảm hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa – thể thao phục vụ phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao An Giang ngang tầm với tỉnh, thành phố trong nước và các nước trong khu vực, tạo động lực phát triển KTXH. Tiếp tục huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển KTXH. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn.

Việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển trong khu vực ĐBSCL

 

THU THẢO - HẠNH CHÂU