An Giang khai mở tiềm năng đất công

03/11/2023 - 06:50

 - Quản lý nhà nước về đất đai là lĩnh vực khó, khá phức tạp, do thực tế diễn biến qua nhiều thời kỳ, quy định pháp luật về đất đai sửa đổi nhiều lần, có nội dung chưa phù hợp đời sống xã hội. Trong lĩnh vực đất công, nếu được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả thì đây sẽ là nguồn lực bền vững để phát triển địa phương.

Từng bước vào nền nếp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang, thực hiện Luật Đất đai 2013, các văn bản, quy định, hướng dẫn thi hành luật có liên quan, công tác quản lý, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Điều này thể hiện qua 3 hoạt động lớn.

Thứ nhất, UBND tỉnh An Giang ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao, đảm bảo việc quản lý, sử dụng, khai thác quỹ đất công đi vào nền nếp. Thứ hai, định kỳ hàng năm, UBND cấp huyện rà soát, đăng ký khu đất công đủ điều kiện khai thác vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức khai thác, mang lại nguồn thu cho ngân sách. Thứ ba, việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đối với công trình, dự án có sử dụng đất công đảm bảo trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định.

“Là đô thị trung tâm của tỉnh, TP. Long Xuyên khai thác khá hiệu quả các khu đất công trên địa bàn. Cụ thể, trong 3 năm, UBND tỉnh cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế, thu về 25,4 tỷ đồng. UBND TP. Long Xuyên cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân, thu về gần 200 triệu đồng; đưa ra khai thác 17 khu đất công, thu về 65,7 tỷ đồng. Những khoản thu ngân sách này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố và của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh cho biết.

Cách làm của các địa phương khá linh hoạt. Đối với khu đất khai thác không thông qua hình thức đấu giá, sau khi có ý kiến thống nhất của Sở TN&MT An Giang, UBND cấp huyện phê duyệt phương án khai thác, giao đơn vị liên quan chủ trì, phối hợp cơ quan thuế tham mưu giá giao đất.

Khi hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, địa phương ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận. Trường hợp khu đất khai thác theo hình thức đấu giá, địa phương thuê đơn vị tư vấn khảo sát, làm cơ sở gửi sở, ngành tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm. Có phê duyệt này, địa phương tiếp tục căn cứu Luật Đấu giá tài sản 2016 để thực hiện bước tiếp theo.

Mỗi địa phương đều tăng cường trách nhiệm đối với quỹ đất công trên địa bàn. Năm 2022, UBND TP. Châu Đốc lập đoàn kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất công, phát hiện 63 trường hợp có dấu hiệu vi phạm (lấn, chiếm đất; cho thuê đất không đúng quy định). Địa phương giao thanh tra thành phố theo dõi, đôn đốc quá trình khắc phục; yêu cầu chủ tịch UBND cấp phường phối hợp Phòng TN&MT tăng cường quản lý nhà nước; phân công cán bộ quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm.

“Đến thời điểm này, chúng tôi khắc phục 100% trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Phòng TN&MT phối hợp ban, ngành, UBND cấp phường hoàn chỉnh hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký danh mục khai thác đất công vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi chia sẻ.

Quản lý nhưng chưa nghiêm

Giai đoạn 2020 - 2023, Sở TN&MT An Giang phối hợp nhiều đơn vị tổ chức 2 cuộc thanh, kiểm tra, gồm: Thanh tra trách nhiệm của UBND cấp huyện trong quản lý, sử dụng đất bãi bồi; thanh tra doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất bãi bồi. Qua thanh tra, nhiều hạn chế đã được chỉ ra, như: Công tác điều tra, đo đạc, lập hồ sơ quản lý chưa chặt chẽ, kịp thời (đối với khu đất bãi bồi đã hình thành ổn định để đưa vào quản lý, khai thác), chưa tổ chức cho đăng ký xác lập quyền quản lý theo quy định; việc thu tiền thuê đất chưa được cơ quan thuế khu vực thực hiện đúng, đầy đủ, dẫn đến phát sinh nợ tiền thuê đất, chưa có giải pháp truy thu số tiền này; vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất bãi bồi, sử dụng đất khi chưa được Nhà nước cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Nguyên nhân của những hạn chế này chủ yếu do địa phương chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí thống kê, đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới đất bãi bồi.

Năm 2023, Sở TN&MT An Giang tiếp tục kiểm tra, xử lý 5 dự án, công trình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (thông qua đấu giá quyền sử dụng đất) nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất hoặc sử dụng đất sai mục đích.

Điển hình, tại phường Bình Đức (TP. Long Xuyên), khu đất hơn 39.000m2 được giao cho Công ty Cổ phần TM-DV Huy Thạnh quản lý, sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy rau quả đông lạnh xuất khẩu; khu đất 27.300m2 do Công ty TNHH Nấm Việt quản lý, sử dụng để đầu tư sản xuất nấm rơm ứng dụng công nghệ cao; khu đất 42.729m2 do Công ty Cổ phần Gavi quản lý, sử dụng để thực hiện dự án nhà máy chế biến gạo chất lượng cao.

Các doanh nghiệp này chưa triển khai dự án theo tiến độ được duyệt; không quản lý, sử dụng đất theo mốc ranh bàn giao. Nguyên nhân là do các hộ dân lấn, chiếm đất, cản trở việc thi công, doanh nghiệp không có mặt bằng sạch để triển khai. Đoàn kiểm tra đề xuất UBND tỉnh giao UBND TP. Long Xuyên phối hợp đơn vị liên quan, 3 doanh nghiệp cùng giải quyết vấn đề (cắm lại trụ ranh bị mất, có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất thực hiện dự án theo quy định).

Đang quản lý 480 khu đất công (hơn 1,2 triệu m2), huyện Phú Tân phải đối mặt với 29 khu (hơn 82.000m2) bị tranh chấp, lấn, chiếm, chồng lấn ranh, cho thuê/mượn sai quy định. “Một số khu đất công bị lấn, chiếm trước ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004 đến nay chưa thể xử lý dứt điểm, do hộ dân lấn chiếm thuộc diện khó khăn, không có chỗ ở, không đủ điều kiện di dời nơi khác. Khi lập thủ tục giao đất có thu tiền sử dụng đất, thì họ không đủ khả năng nộp tiền.

Việc xử lý trường hợp lấn chiếm đất công gặp khó do thời gian lấn chiếm quá lâu, kéo dài, hoặc trường hợp lấn chiếm diện tích không lớn. Mặc dù UBND cấp xã quan tâm quản lý, kiểm tra tình hình đất công trên địa bàn, nhưng thật sự chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nên không phát hiện, không xử lý kịp thời, dứt điểm trường hợp vi phạm” - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu thông tin.

Một điều băn khoăn là ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn nhiều trường hợp lấn, chiếm đất công làm “đất riêng”. Một số hộ dân ngụ khóm Châu Long 6, phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) bức xúc hộ bà N.T.H làm cổng rào trên lối đi chung cặp mương thủy lợi (thuộc đất công), vừa ảnh hưởng việc đi lại của người xung quanh, vừa không đúng quy định pháp luật. Gần 2 năm, câu chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

UBND TP. Châu Đốc đang liên hệ ngành chuyên môn cấp tỉnh trích lục, cung cấp hồ sơ liên quan đến nguồn gốc khu vực đất để có hướng xử lý. Hay bà T.T.T (ngụ khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) khiếu nại hàng xóm lấn chiếm phần đất trước nhà bà để chứa vật liệu. UBND phường Mỹ Hòa thành lập đoàn kiểm tra, xác định vị trí đất mà bà T. khiếu nại là đất công do Nhà nước quản lý. Địa phương đã yêu cầu hộ dân liên quan tháo dỡ, di dời, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, sau một thời gian, theo ghi nhận của phóng viên, hộ dân vẫn chưa di dời.

Khơi thông nguồn lực quý

Không chỉ tính toán nguồn lực đất công rộng lớn, mà những phần dôi dư, “đầu thừa, đuôi thẹo” cũng cần được quan tâm. Hiện nay, nhiều thửa đất có diện tích nhỏ (dưới hạn mức tách thửa), nằm xen kẽ với nhà dân, xen kẽ trong dự án đầu tư, không đảm bảo kết nối giao thông.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, sử dụng đất công khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh thông tin: “Quá trình thực hiện dự án đầu tư luôn phát sinh dôi dư đất công. Chúng tôi đề xuất xã hội hóa kinh phí, biến phần đất dôi dư ấy làm công viên, vừa xây dựng cảnh quan đẹp, vừa tạo điểm sinh hoạt cộng đồng, tránh để cỏ mọc hoang hoặc xảy ra tình trạng lấn chiếm đất. Giải pháp này rất được người dân ủng hộ”.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi đề xuất: “Không thể cầu toàn giải quyết câu chuyện đất đai trọn vẹn, ngay lập tức. Tuy nhiên, chúng ta phải khoanh vùng vụ việc cũ; từ thời điểm hiện nay trở về sau, không để phát sinh vướng mắc, sai phạm tương tự. Trong đó, xác lập quyền quản lý của Nhà nước ở các khu đất công trên toàn địa bàn; yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đất công phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật”.

Quá trình giám sát chuyên đề về đất công trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết nhận thấy, để giải quyết tình trạng mất cân đối ngân sách diễn ra ở nhiều địa phương, để “đủ ăn, đủ mặc”, tiến tới “khá giả”, thì khai thác nguồn lực tại chỗ (trong đó có quỹ đất công) là giải pháp khả thi.

“Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, rà soát kế hoạch sử dụng đất hàng năm, điều chỉnh kế hoạch, lộ trình khai thác đất công. Muốn phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị lớn, đòi hỏi phải quan tâm tạo quỹ đất. Muốn có quỹ đất, không còn cách nào khác ngoài quy hoạch. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, hạn chế lấn chiếm, sử dụng đất công trái phép; tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm; phối hợp sở, ngành tỉnh tìm giải pháp xử lý nhanh nhất khó khăn, vướng mắc mỗi địa phương gặp phải” - đồng chí Đỗ Tấn Kiết gợi mở.

Giám sát quản lý, khai thác và sử dụng đất công là một trong những nội dung giám sát trọng tâm của HĐND tỉnh trong năm 2023. Theo Thường trực HĐND tỉnh, đợt giám sát bước đầu rà soát lại toàn diện lĩnh vực này, sau đó hàng năm phân quyền cho HĐND, thường trực, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND... các cấp tiếp tục xây dựng kế hoạch giám sát. Mục tiêu lớn nhất của quá trình giám sát là tăng cường vai trò quản lý, khai thác và sử dụng đất công trên địa bàn, phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội.

 “Phải xác định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, chính quyền địa phương… trong quản lý, khai thác, sử dụng đất công; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhất là tình trạng cán bộ làm ngơ cho sai phạm. Đặc biệt, chú trọng đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng quản lý, sử dụng đất công theo quy định; giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, tránh để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh nhấn mạnh.

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh hơn 353.000ha. Theo báo cáo thống kê đất đai năm 2022, gần 84% là đất nông nghiệp, gần 16% là đất phi nông nghiệp, chỉ 0,5% đất chưa sử dụng. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý hơn 850.000m2 đất công; bàn giao 7.600m2 đất cho UBND cấp huyện quản lý, sử dụng, khai thác. Giai đoạn này, UBND cấp huyện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê 20 khu, công trình dự án (285.400m2) cho 10 tổ chức kinh tế. Từ đó, thu về ngân sách hơn 108 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao, cho thuê 249 khu đất, công trình dự án (gần 11 triệu m2) không qua đấu giá để xây dựng trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, công trình công cộng, công trình phục vụ tái định cư, phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh…

GIA KHÁNH - KIM THẢO