An Giang kiên quyết, kiên trì chống buôn lậu

14/02/2024 - 07:43

 - Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự đấu tranh kiên quyết, kiên trì, lâu dài, bền bỉ. Ở đó, có sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao từ ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) từ tỉnh đến các địa phương; từ các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ đến người dân và cả hệ thống chính trị.

Trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022

“Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát, vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng. Trong nội địa, một số cơ sở kinh doanh vì mục đích lợi nhuận tiến hành thu mua hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn mác từ các địa bàn khác, sau đó thuê các phương tiện vận chuyển về địa bàn An Giang để tiêu thụ hoặc xuất sang Campuchia” - đại tá Bùi Tấn Ân (Phó Giám đốc Công an tỉnh, phụ trách Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chia sẻ.

Từ đặc điểm, tình hình

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đề ra phương châm trong thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: “Không có vùng cấm, trường hợp ngoại lệ”. Vận động các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, nội địa không bao che hoặc tiếp tay cho buôn lậu; bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức để không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu; không để cán bộ, chiến sĩ bị “nhúng chàm” và “nếu có”, các cá nhân đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

An Giang kiên quyết, kiên trì chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bởi buôn lậu được xác định là mặt trái, tiêu cực của nền kinh tế, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của những người làm ăn chân chính; tác động tiêu cực đến sức khỏe và niềm tin của Nhân dân, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

“Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước mắt cũng như lâu dài. Việc làm này không chỉ có lực lượng chức năng mà còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó không thể thiếu lực lượng nòng cốt, quan trọng là Nhân dân, bởi “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”, là chủ thể của xã hội…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định.

An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc, vì vậy để phát triển, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… Tỉnh còn vận động Nhân dân cùng lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo vệ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn chân chính, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng.

Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong công tác này, đại tá Bùi Tấn Ân (Phó Giám đốc Công an tỉnh, phụ trách Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) cho biết: “An Giang có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia) có chiều dài 98,2km; có 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) cùng nhiều cửa khẩu phụ.

Vào mùa nước nổi, đồng nước mênh mông, việc qua lại biên giới rất thuận tiện, từ đó các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu đã lợi dụng triệt để địa hình, địa vật để hoạt động. Lợi dụng sự thuận tiện trong việc giao lưu, thăm thân, buôn bán giữa người dân 2 bên biên giới, đối tượng buôn lậu đã tổ chức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn…”.

Ngoài vàng, đô-la, thuốc lá, buôn lậu qua biên giới còn có ma túy

Đến những kết quả

Thời gian qua, để chủ động kiểm soát tình hình, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trong đó tập trung phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, không niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết. đồng thời, kiểm soát nghiêm hoạt động xuất, nhập cảnh, nhất là hoạt động nhập cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới, từ đó tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, kiểm soát tốt.

Năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 1.620 vụ (tăng 68 vụ so năm 2022). Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ giảm 131,3 tỷ đồng so năm 2022. Tang vật gồm 33,3kg vàng; 183.111 bao thuốc lá ngoại các loại; 12.405 chai thuốc bảo vệ thực vật các loại; 9.700kg phân bón các loại và 5.000kg hóa chất; 29.456 hộp mỹ phẩm các loại; 1.099 nồi cơm điện đã qua sử dụng cùng nhiều hàng hóa khác… Kết quả, xử lý hình sự 37 vụ, 32 bị can. Xử phạt vi phạm hành chính: 1.216 vụ, tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế và bán hàng tịch thu 12,9 tỷ đồng; giảm 3,8 tỷ đồng so năm 2022.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương trong thời gian tới tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ các giải pháp để tấn công mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa; kiên quyết xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu theo tinh thần thượng tôn pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chính quyền các cấp, cơ quan truyền thông phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục Nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để mọi người không tham gia, tiếp tay, không bao che, làm ngơ đối với hoạt động này...

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người dân, nhất là khu vực biên giới để góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu. Tiếp tục nâng cao năng lực nhận diện các thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại đặc biệt là các đường dây buôn lậu xuyên biên giới. Kịp thời phát hiện các thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó lường, nhất là các hành vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng của các đối tượng vận chuyển ma túy tổng hợp và các loại ma túy khác.

Bên cạnh đó, tập trung giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân khu vực biên giới một cách bền vững và ổn định thông qua việc đẩy mạnh phát triển đầu tư khu kinh tế cửa khẩu. Từ đó, hạn chế việc người dân khu vực biên giới tham gia vận chuyển, tiếp tay cho các đường dây buôn lậu.

“Quan điểm của tỉnh là “không có vùng cấm, trường hợp ngoại lệ” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu nghiêm trọng, kéo dài thuộc chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định.

MINH HIỂN