An Giang: Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền

22/12/2020 - 06:00

 - Không chỉ là nơi lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền, UBMTTQVN các cấp và các thành viên còn thường xuyên tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia hòa giải ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội… Cùng với đó, còn làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

UBMTTQVN tỉnh tặng quà cho người dân

Lắng nghe nhân dân

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, năm 2020, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã đã phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBND các cấp tổ chức 548 điểm tiếp xúc, thu hút hơn 37.000 lượt cử tri tham dự. Qua đó, ghi nhận 2.580 lượt ý kiến phát biểu liên quan đến nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, “tín dụng đen”, tinh giản tổ chức, bộ máy, tình hình thiên tai, sạt lở đất, dịch bệnh COVID-19, ô nhiễm môi trường… Qua ghi nhận ý kiến và tìm hiểu, nắm bắt dư luận, đa số các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khá hiệu quả trong thời gian qua.

Năm 2020, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh còn phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Kết quả, đã giám sát được 2.239 cuộc với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; việc xét chọn, hỗ trợ chính sách về an sinh xã hội, chính sách đối với người có công cách mạng, người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, giám sát việc triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Đối với Ban Thường trực UBMTTQVN cấp xã, đã hướng dẫn nhân dân tham gia giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Kết quả, đã thực hiện được 1.844 vụ, việc liên quan đến thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn như: bình xét hộ nghèo, xét nhà ở cụm, tuyến dân cư, xét tuyển chọn thanh niên nhập ngũ, các chế độ, chính sách về an sinh xã hội… Đặc biệt, đã giám sát 897 công trình phúc lợi xã hội có sự tham gia đóng góp của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Tiếc Hùng, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời tham gia các hội đồng hòa giải ở cơ sở do UBND cùng cấp tổ chức liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Năm 2020, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp đã tiếp 1.220 lượt công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tư vấn pháp luật; tiếp nhận 334 đơn liên quan về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách người có công, tranh chấp đất đai, các chính sách an sinh xã hội, khiếu nại việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Xây dựng niềm tin

Năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của nhà nước, hệ thống MTTQ và các thành viên, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp quỹ Vì người nghèo, an sinh xã hội trên 225 tỷ đồng.

Ban Thường trực UBMTTQVN và Ban Vận động quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã chi trên 217 tỷ đồng để thực hiện các công việc như: cất 2.209 căn nhà Đại đoàn kết (hơn 83 tỷ đồng), sửa chữa 399 căn nhà (trị giá 2,3 tỷ đồng); thăm hỏi, tặng quà cho 277.132 lượt hộ nghèo với số tiền 77,2 tỷ đồng; trợ giúp khó khăn đột xuất cho 73.140 trường hợp với số tiền 14,7 tỷ đồng; trợ giúp học hành, hỗ trợ khám bệnh, trợ giúp sản xuất 92.891 trường hợp với kinh phí hơn 8,23 tỷ đồng; thực hiện chương trình an sinh xã hội trên 33 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, trên cơ sở kết quả giám sát của mặt trận, ý kiến của cử tri trong tỉnh, UBMTTQVN tỉnh đã kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm xem xét, giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm. Trong đó, đề nghị sớm triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XI (2020-2025). Nội dung các chương trình, kế hoạch cần xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu và lộ trình thực hiện cũng như các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực.

Trong triển khai phải huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện (nhà nước và xã hội); phân công cụ thể ngành, địa phương, cá nhân chịu trách nhiệm tổ chức triển khai; có tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, tổng kết, khen thưởng, xử lý trách nhiệm… Hiện nay, tỉnh đã nhận diện tương đối đầy đủ các “điểm nghẽn” chính trong phát triển kinh tế thời gian qua, như: cơ sở hạ tầng giao thông, tiếp cận đất đai, vốn, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, cơ chế chính sách…

Tuy nhiên, các giải pháp giải quyết “điểm nghẽn” thời gian qua kết quả mang lại chưa đạt như mong muốn. UBMTTQVN tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần rà soát và đánh giá đúng việc thực hiện các chủ trương liên quan đến đầu tư công, tăng trưởng tín dụng, thu hút doanh nghiệp đầu tư mới sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2018. Cùng với đó, cần những giải pháp thực hiện có hiệu quả đề án tạo quỹ đất, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thông… để thu hút đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội An Giang phát triển.

NGÔ CHUẨN

Cùng với xây dựng nông thôn mới, UBMTTQVN tỉnh An Giang đề nghị từ năm 2021, tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đô thị thông minh, tập trung ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, tạo động lực thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh phát triển. Trong đó, xây dựng Long Xuyên là thành phố đầu tàu, tạo động lực hỗ trợ 3 huyện tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển (Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn); Châu Đốc là thành phố đầu tàu, tạo động lực hỗ trợ 2 huyện tiểu vùng Bảy Núi phát triển (Tịnh Biên, Tri Tôn); Tân Châu là thị xã đầu tàu, tạo động lực hỗ trợ tiểu vùng 4 huyện cù lao phát triển (TX. Tân Châu, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới).

 

 

Liên kết hữu ích