An Giang nâng chất sản phẩm OCOP

13/01/2021 - 05:26

 - Chỉ trong năm 2020, UBND tỉnh An Giang đã trao chứng nhận cho 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang) đạt 3 sao, 4 sao, vượt xa so chỉ tiêu kế hoạch (công nhận 10 sản phẩm OCOP). Không tự mãn với kết quả này, An Giang quyết tâm nâng chất các sản phẩm OCOP nhằm khai thác tốt lợi thế cạnh tranh.

Chung tay hành động

Từ năm 1979, Nhật Bản cho ra đời mô hình “Một làng 1 sản phẩm” (OVOP) và được công nhận là thương hiệu quốc gia. Sáng kiến OVOP dựa trên 3 trụ cột chủ yếu là: sản phẩm địa phương nhưng mang tính toàn cầu; tính tự lực - sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Từ tỉnh OITA, tầm ảnh hưởng của OVOP đã mở rộng ở Nhật Bản, khuyến khích người dân nâng chất sản phẩm địa phương trên cơ sở tự quyết định sản phẩm OVOP mình làm. Một  làng có thể làm nhiều sản phẩm, song nhiều làng có thể kết hợp để tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh duy nhất. Trong đó, vai trò chính quyền địa phương là nơi cung cấp đầu mối liên kết ở giai đoạn đầu và cuối với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và tiếp thị.

Tại Thái Lan, Chương trình “Mỗi Tambon (cấp dưới huyện) 1 sản phẩm” (OTOP) cũng rất thành công. Sản phẩm OTOP rất đa dạng, từ thức ăn, đồ uống, vải vóc, hàng may mặc, đồ đạc trang trí, hàng lưu niệm, thảo dược cho đến dịch vụ và du lịch kết hợp với văn hóa truyền thống địa phương. Ở Đài Loan, phong trào OTOP cũng rất thành công, được chính quyền tăng cường hỗ trợ, quảng bá tích hợp, xây dựng khu vực quảng bá và thúc đẩy nhận biết thương hiệu. Nhờ đó, người sản xuất đã thu nhận được giá trị gia tăng cao hơn nhiều.

Các sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP tham gia trưng bày tại hội thảo

Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, nhiều địa phương trong nước đã tích cực triển khai Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 (theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, An Giang đã tích cực nghiên cứu tìm hiểu và triển khai mạnh mẽ chương trình này trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là chương trình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là  bộ phận không thể tách rời của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương cùng sự quan tâm từ chính các chủ thể tham gia, chương trình OCOP An Giang bước đầu đạt thành công ngoài mong đợi. Ngày 16-11-2020, UBND tỉnh đã trao chứng nhận cho 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đến từ 28 chủ thể, gồm 12 hộ sản xuất - kinh doanh, 13 doanh nghiệp (DN), 3 hợp tác xã (HTX). Hiện nay, có 5 sản phẩm rất đặc trưng của tỉnh (từ gạo và đường thốt nốt) có tiềm năng đạt OCOP 5 sao, đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận cho 2 DN.

“Thời gian qua, tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sao; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ thông tin.

Khắc phục điểm nghẽn

Trên thực tế, những sản phẩm OCOP của An Giang có thể chưa thật hoàn hảo khi tham gia thị trường trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, hầu hết các chủ thể đều thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo và lắng nghe ý kiến khách hàng, thay đổi mẫu mã, khẩu vị phù hợp với người tiêu dùng nên tiếp cận thị trường khá tốt.

“Kinh nghiệm của chúng tôi là khi làm ra sản phẩm mới, phải mời ít nhất vài chục khách hàng khác nhau dùng thử. Trên cơ sở góp ý của họ, mình điều chỉnh lại mẫu mã bao bì, hình thức trình bày, chất lượng, khẩu vị… đến khi nào có trên 90% khách hàng khen sản phẩm ngon thì mới đưa ra thị trường tốt” - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh Trần Lê Hùng chia sẻ.

Từ kinh nghiệm này mà sản phẩm bánh hạnh nhân Tiến Anh đã xâm nhập tốt thị trường, đảm bảo sản xuất - kinh doanh ổn định ngay trong thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Với nhiều cải tiến, bánh hạnh nhân Tiến Anh giữ được mùi thơm ngon, vị ngọt và béo vừa phải, không bị bể vụn hay dính tay, ăn vô miệng giòn tan. Ngoài thiết kế bao bì bánh theo khuynh hướng hiện đại, Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh còn chú trọng đến tính tiện dụng cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi thiết kế nhiều gói bánh với kích cỡ khác nhau. Gói bánh nhỏ tiêu thụ trong siêu thị, dùng cho gia đình ít người; gói bánh lớn dùng làm quà tặng, gia đình nhiều người. Ngoài bánh hạnh nhân hương vị mè, đậu, socolate, còn kết hợp với bánh in, kẹp cuốn, quy bơ, bông lan… để thêm phong phú, đa dạng. Trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, công ty tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử, đồng thời đa dạng các hình thức giao hàng để thuận tiện nhất cho khách hàng” - ông Hùng thông tin.

Cách làm sáng tạo như của Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh cũng được nhiều chủ thể khác áp dụng, giúp các cơ sở, DN, HTX củng cố và phát triển được thị trường trong bối cảnh khó khăn. “Tôi thấy An Giang triển khai chương trình OCOP rất tốt. Điều quan trọng tiếp theo là tập trung nâng cấp những sản phẩm hiện có, xây dựng hướng đi ổn định và bền vững cho các sản phẩm OCOP. Đối với các chủ thể, không nên ngán ngại tham gia hoặc có tâm lý chủ quan, bằng lòng khi được chứng nhận OCOP mà phải luôn phấn đấu nâng tầm sản phẩm, củng cố thương hiệu, uy tín để đi vào lòng người tiêu dùng” - PGS.TS Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ, người thường xuyên đồng hành cùng chương trình OCOP của An Giang) lưu ý.

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP An Giang sẽ tiếp tục phát hiện và lựa chọn thêm 20 sản phẩm nhóm thực phẩm, du lịch, đồ uống… tham gia sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đồng thời, gắn với mục tiêu gia tăng giá trị và ấn tượng thương hiệu.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN