Nhiều lĩnh vực không đạt kế hoạch
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại một số quốc gia đã khiến các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, dịch bệnh còn gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng xuất khẩu như: thủy sản, thuốc lá, may mặc. Nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện “giãn cách xã hội”, các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh dần hồi phục; chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 3,76% so cùng kỳ.
Tình hình dịch bệnh đã khiến việc mua sắm của người dân bị hạn chế, việc mua bán của các DN sụt giảm từ 30-50%. Đặc biệt là dịch vụ lưu trú và du lịch bị ảnh hưởng nặng khi các lễ hội dừng tổ chức hoặc thu hẹp quy mô. 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 59.462 tỷ đồng (tăng 1,5% so cùng kỳ), đạt 41,71% so kế hoạch cả năm.
Việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh tuy có tăng nhẹ, nhưng chưa đạt theo kịch bản tăng trưởng của tỉnh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong những tháng đầu năm ước đạt 526,09 triệu USD, tăng 3,54% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 447,46 triệu USD (tăng 3,36% so cùng kỳ), đạt 48,11% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78,63 triệu USD (tăng 4,56% so cùng kỳ). Tổng giá trị xuất - nhập qua các cửa khẩu biên giới An Giang uớc đạt trên 842 triệu USD (giảm 15% so cùng kỳ năm 2019).
Trong đó, xuất, nhập khẩu đăng ký tại An Giang đạt trên 211 triệu USD (giảm 16% so với cùng kỳ); hàng hóa đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang đạt trên 631 triệu USD (giảm 15% so với cùng kỳ). Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là phân bón, sắt thép, xi-măng, xăng dầu, bách hóa tổng hợp, nông thủy sản… Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là trái cây và máy gặt đập đã qua sử dụng.
Nhiều giải pháp
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng đánh giá, hoạt động công nghiệp, thương mại, xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo tỉnh cùng các cấp, ngành… ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và biến động giá cục bộ.
Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, Sở Công thương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp của ngành trong các tháng còn lại của năm 2020. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nắm bắt, theo dõi tình hình của các cơ sở sản xuất - kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Mặt khác, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất (vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đổi mới công nghệ...), thực hiện các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại nội địa, ngành công thương sẽ triển khai các hoạt động liên quan đến công tác bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ mua hàng trực tuyến hoặc qua điện thoại. Một mặt, góp phần hỗ trợ DN. Mặt khác, giúp hạn chế tình trạng người dân chen lấn mua hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá qua trang angiangexport.com nhằm giới thiệu sản phẩm gạo và thủy sản; duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh An Giang (sanphamangiang.com)...
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, thương mại biên giới, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, sẽ tăng cường công tác phối hợp sở, ngành có liên quan mời gọi các DN lớn trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư hạ tầng góp phần phát triển thương mại biên giới và phát triển dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, tiếp tục liên hệ các DN để nắm bắt các khó khăn; phối hợp các sở, ngành, địa phương và cơ quan Trung ương để kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, để từ đó khuyến cáo và đề xuất UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu.
Tiếp tục liên hệ các tham tán của Việt Nam tại nước ngoài để trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện công tác xúc tiến ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DN chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như: thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm...
ĐỨC TOÀN