Sạt lở ở xã Mỹ Khánh diễn biến nguy hiểm
Sạt lở bất ngờ
Sinh sống nhiều năm cặp tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Khánh (đường Võ Văn Hoài), nhà hướng mặt về phía kênh Rạch Giá - Long Xuyên, vợ chồng ông Lý Thanh Phong và bà Trần Thị The (tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh) vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì sạt lở diễn ra quá nhanh.
Sáng 12/6/2023, vợ chồng bà The dọn bàn ghế ra trước nhà bán nước như thường lệ. Mọi người phát hiện có vết răn nứt trên đường Võ Văn Hoài nhưng cứ nghĩ chưa đến nỗi sạt lở. “Khoảng 7 giờ sáng, vết răn nứt bất ngờ mở rộng ra, rồi nguyên khối đất lớn cặp bờ kè đổ ập xuống sông. Đến khoảng 9 giờ tối, vết nứt tiếp tục chạy sâu vào bên trong, hơn nửa mặt đường sụp xuống sông. Hồi đó đến giờ, tôi mới chứng kiến sạt lở khủng khiếp đến vậy” - bà The nhớ lại.
Giờ đây, tuyến đường chính nối vào xã Mỹ Khánh đi qua đoạn sạt lở đã bị ngăn lại, chỉ các phương tiện xe 2 bánh lưu thông tạm qua đường dân sinh nhỏ hẹp phía sau đường Võ Văn Hoài; giao thông nối TP. Long Xuyên đi các huyện Thoại Sơn và Châu Thành qua xã Mỹ Khánh gần như bị cắt đứt.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Đức Duy, từ năm 2010 đến tháng 6/2023, trên địa bàn TP. Long Xuyên xảy ra 66 vụ sạt lở, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch. Riêng xã Mỹ Khánh xảy ra 2 vụ sạt lở đất bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên, tổng chiều dài 85m. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ngày 12/6/2023, tại khu vực tổ 15 (ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh).
Lúc 7 giờ sáng, xuất hiện đoạn sạt lở dài khoảng 45m, ăn sâu vào mép đường Võ Văn Hoài, phía bên trong đường tiếp giáp nhà dân có hiện tượng răn nứt rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân (33 nhân khẩu). Đến khoảng 21 giờ tối 12/6/2023, xảy ra sạt lở mở rộng thêm đến 1/2 mặt đường Võ Văn Hoài.
Đây là khu vực nằm trong đoạn quan trắc cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang. Địa hình đáy sông đoạn rạch Long Xuyên khu vực này xuất hiện hố sâu -10m đến -12m, cách bờ 20m, lạch sâu dài 150m, rộng 20m. Xung quanh 2 đầu đều cạn, phía thượng nguồn hố sâu phổ biến -4m đến -5m, hạ nguồn hố sâu -5m đến -6m. Dòng chảy rất gần bờ, vách sạt thẳng đứng, kết cấu là cát, liên tục vỡ và rơi xuống khi gặp sóng, mưa, phương tiện đường thủy, bộ lưu thông qua đoạn này.
Nhanh chóng khắc phục
Khảo sát thực tế của Sở TN&MT An Giang cho thấy, khu vực 45m đoạn đường giao thông bị sạt lở vào 1/2 đường lộ nhựa liên xã Mỹ Khánh nằm trên đoạn cua cong, dòng chảy do triều cường lên xuống chảy qua rạch Long Xuyên có tốc độ khá cao. Hiện nay, mực nước thủy triều đang ở mùa kiệt nên chênh lệch lớn khi lên xuống, gây mất cân bằng nước, dễ xảy ra trượt lở.
Bên cạnh đó, do lòng sông hẹp, mái bờ vách khá đứng, vật liệu gắn kết bờ yếu, ven bờ là đường giao thông, tuyến sông có mật độ phương tiện thủy lưu thông cao (phần lớn là xà lan và ghe tải trọng lớn thường xuyên di chuyển), áp lực sóng liên tục ảnh hưởng đến bờ.
Ngoài ra, khu vực bờ đối diện có nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu, làm dòng nước đạp mạnh vào phía bờ xã Mỹ Khánh cũng là nguyên nhân gây xói bờ, dẫn đến sạt lở.
Sở TN&MT An Giang cảnh báo, đoạn sạt lở này thời gian tới sẽ diễn ra phức tạp, có xu hướng mở rộng chiều dài và mức độ ảnh hưởng lớn trên đường Võ Văn Hoài ở các đoạn tiếp giáp với bờ sông. Dự báo, đoạn đường bờ dài 300m, tính từ trung tâm vị trí sạt lở lên thượng nguồn 60m (hướng về phường Bình Khánh) và về hạ nguồn 240m (qua Văn phòng ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh) nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở, nhiều khả năng khoét sâu vào đất liền, đe dọa đến an toàn của đường liên xã và ảnh hưởng đến 110 hộ dân tại đây.
Trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên (khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh), với chiều dài 300m. UBND tỉnh giao UBND TP. Long Xuyên huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Trong đó, thực hiện ngay việc di dời các hộ dân tại vị trí sạt lở đến nơi an toàn, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định; phối hợp các đơn vị quản lý để di dời hệ thống nước, điện… ra khỏi khu vực cảnh báo sạt lở. Địa phương thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.
Sở TN&MT An Giang được giao nhiệm vụ khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, cảnh báo phạm vi sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn và tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh. Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải AN Giang làm việc với đơn vị quản lý giao thông thủy, thông báo về việc thả phao tiêu cảnh báo, cấm neo đậu tàu thuyền tại khu vực sạt lở, hạn chế tàu thuyền và tốc độ qua khu vực sạt lở.
UBND tỉnh An Giang giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng khu vực TP. Long Xuyên làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện công trình khắc phục sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên (khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh); nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, tổ chức lập dự án khẩn cấp theo quy định. Sở NN&PTNT được giao thẩm định phương án thiết kế công trình khắc phục sạt lở để làm cơ sở thực hiện. |
NGÔ CHUẨN