An Giang nỗ lực nâng cao đời sống nhân dân

06/01/2022 - 05:28

 - Bước vào năm 2022, nhân dân An Giang được tạo điều kiện lao động, sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Đảm bảo an sinh xã hội

Để 2 con nhỏ ở quê nhờ cha mẹ chăm sóc, vợ chồng anh Chau Sóc Thanh (ngụ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) dắt díu nhau lên tỉnh Bình Dương làm thuê. Dịch bệnh bùng phát, đôi vợ chồng trẻ vừa mất việc làm, vừa “kẹt” trong nhà trọ suốt 4 tháng. Vừa nghe tin nới lỏng giãn cách, vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy chạy thẳng về quê, không dám dừng nghỉ dọc đường. Về đến cửa ngõ TP. Long Xuyên và huyện Tri Tôn, anh chị được bố trí cách ly, hỗ trợ đầy đủ thức ăn, nước uống. Do gia cảnh khó khăn, gia đình anh được tỉnh, huyện hỗ trợ túi quà an sinh với đầy đủ gạo, mì gói, đường, sữa cùng một số nhu yếu phẩm thiết yếu.

Khi tình hình ổn định, vợ chồng anh Chau Sóc Thanh được huyện Tri Tôn hỗ trợ tiền, bố trí xe khách để trở lên tỉnh Bình Dương lao động. “Trước đó, vợ chồng tôi được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trở lên Bình Dương, tôi làm việc ở xưởng gỗ, còn vợ làm công nhân may. Tết Nguyên đán sắp tới, vợ chồng tôi dự định không về quê, mà kiếm việc làm thêm, đến Tết Chol Chnam Thmay 2022 mới về” - anh Thanh chia sẻ.

Nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh COVID-19 là một trong những điểm sáng tích cực của An Giang. Theo UBMTTQVN tỉnh, năm 2021, Quỹ Vì người nghèo vận động, tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền trên 212 tỷ đồng (tiền mặt trên 86 tỷ đồng).

Từ nguồn này, toàn tỉnh xây dựng mới, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; trợ giúp học sinh học tập, thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Ngân sách tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế với kinh phí gần 38,2 tỷ đồng, hỗ trợ khám, chữa bệnh trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề 5,4 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn và lao động nông thôn.

Hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng các hoạt động chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề, vay vốn và tạo việc làm cho người có công luôn được tỉnh duy trì và thực hiện thường xuyên. Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh COVID-19, An Giang chi gần 158 tỷ đồng cho trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ lao động tự do doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh hơn 104 tỷ đồng…

Từng bước phát triển kinh tế

Ấp ủ ý tưởng mở spa chăm sóc xe ôtô kết hợp quán cà phê, điểm tâm sân vườn theo phong cách nhà cổ, từ giữa năm 2021, anh Đinh Minh Tuấn (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) thuê mặt bằng rộng trên đường Đề Thám (phường Bình Khánh). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, anh Tuấn mới chỉ triển khai GOGO Car Spa, thực hiện dịch vụ rửa xe, chăm sóc xe ôtô. Khi UBND tỉnh cho phép dịch vụ ăn, uống được phục vụ tại chỗ, anh Tuấn khai trương thêm cà phê Nhà Gỗ, phục vụ khách đến chăm sóc xe và người dân có nhu cầu uống nước, dùng điểm tâm. “Chúng tôi cảm thấy phấn khởi khi An Giang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Đây là động thái rất kịp thời để giúp kinh tế phục hồi, nâng cao đời sống người dân khi chuẩn bị đón xuân Nhâm Dần 2022” - anh Tuấn đánh giá.

Những tín hiệu phục hồi và phát triển kinh tế đang tạo nên bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân. Theo Sở Công thương, trong tháng 12-2021, để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ đầu mối) dự trữ hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hiện, 23 DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường; 451 cửa hàng bán hàng bình ổn thị trường (tăng 5% so cùng kỳ), trong đó 100 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm; 351 cửa hàng bán xăng dầu, khí hóa lỏng.

Doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 12-2021 ước đạt 12.936 tỷ đồng (tăng 3,7% so tháng 11-2020; tăng 5,8% so tháng 12-2020); ước cả năm 2021, đạt 149.000 tỷ đồng (tăng gần 4% so năm 2020). Tháng 12-2021, hoạt động vận tải và kho bãi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, từng bước phát triển. Ước tổng doanh thu vận tải và kho bãi đạt 478 tỷ đồng (tăng 6,87% so tháng 11). Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 128 tỷ đồng (tăng gần 19% so tháng 11).

Quý IV-2021, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt hơn, nhiều công trình đẩy nhanh tiến độ; DN, cơ sở cá thể mạnh dạn đầu tư phục hồi sản xuất - kinh doanh, hộ dân cư thuận lợi trong việc xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Ước vốn đầu tư thực hiện quý IV-2021 đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 20,5% so quý III-2021. Sang quý I-2022, có 60,6% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 24,2% cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định, trong khi chỉ có 15,1% DN dự kiến sẽ khó khăn hơn quý IV-2021.

 

HOÀNG XUÂN