An Giang nỗ lực tăng tốc phát triển kinh tế

03/06/2024 - 07:03

 -  Vượt qua khó khăn do tình hình bất ổn chính trị một số khu vực, suy thoái kinh tế chung của thế giới, An Giang vẫn tập trung triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,8%, mức tăng cao so cùng kỳ các năm trước. Để đạt mục tiêu “bứt tốc” tăng trưởng cho năm 2024 - năm “bản lề” của giai đoạn 2021 - 2025, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng.

Nhiều điểm sáng tích cực

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, KTXH 5 tháng của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa - xã hội nhộn nhịp, sôi động; nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, toàn tỉnh kết thúc thu hoạch vụ đông xuân và triển khai xuống giống dứt điểm vụ hè thu 2024 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, giá bán ổn định ở mức cao và tăng nhiều so cùng kỳ; đàn chăn nuôi tiếp tục tăng về quy mô nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ và nhu cầu thị trường tăng cao.

Đối với thủy sản, tuy gặp khó khăn do chi phí vận chuyển hàng hải tăng mạnh, nhưng trước nhu cầu nhập khẩu cá tra vẫn cao, các DN tìm cách thích ứng. Hiện nay, diện tích nuôi trồng hầu hết là vùng nuôi của DN hoặc liên kết với DN, có chu trình sản xuất khép kín, đảm bảo được lợi nhuận cho người nuôi. Sản lượng thủy sản thu hoạch trong 5 tháng ước đạt 290.700 tấn, tăng 7% so cùng kỳ.

Tăng tốc trên công trình trọng điểm

Những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, hợp đồng mặt hàng may mặc, da giày về ngày càng nhiều, có những DN ký kết đơn hàng với thời gian dài và có đơn hàng ở thị trường xuất khẩu mới từ Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Trong 5 tháng đầu năm 2024, sản phẩm quần áo sơ mi ước đạt 31,5 triệu sản phẩm, tăng 68,28% so cùng kỳ; sản phẩm giày, dép da ước đạt 11,4 triệu đôi, tăng 29,43%.

Trong khi đó, sản phẩm thủy sản đông lạnh đạt 68.000 tấn (tăng 17,17%), phần lớn tiêu thụ ở các thị trường truyền thống, như: Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Brazil, Mexico, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore; sản lượng gạo xay xát ước đạt hơn 762.500 tấn, tăng 8,44%...

Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các DN xuất khẩu đang khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tận dụng lợi thế cạnh tranh hàng hóa. Do đó, tình hình xuất khẩu 5 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, ước kim ngạch xuất khẩu đạt 504 triệu USD, tăng 5,4% so cùng kỳ.

Phân công trách nhiệm cụ thể

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh năm 2024 là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được Trung ương giao, tổ chức các cuộc kiểm tra công trình trọng điểm, thúc đẩy tiến độ công trình. Nhờ vậy, giá trị giải ngân đến hết tháng 5 ước đạt 2.935 tỷ đồng, đạt 35,92% kế hoạch vốn năm 2024, mức đạt cao nhất so cùng kỳ nhiều năm qua.

An Giang vẫn duy trì lợi thế là địa phương có sức mua sắm, tiêu dùng sôi động nhất vùng ĐBSCL. Ước doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 5 tháng đạt 92.900 tỷ đồng, tăng 14,19% so cùng kỳ. Trong khi đó, có khoảng 5,9 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, đạt 66% kế hoạch năm, tăng 13% so cùng kỳ. Không chỉ tăng về số lượng, chi tiêu của du khách cũng tăng.

Biểu dương nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, đóng góp vào kết quả tăng trưởng KTXH những tháng đầu năm của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã giao nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè thu đảm bảo ăn chắc, an toàn trong mùa mưa bão; tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phối hợp các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra cửa hàng kinh doanh, mua bán phân bón, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và đúng giá...

Khảo sát địa điểm tổ chức chuẩn bị Lễ thông xe tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang được giao thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình trọng điểm của năm 2024, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chuẩn bị tổ chức Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023 tỉnh An Giang kết hợp đối thoại DN; triển khai công tác chuẩn bị đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) năm 2024. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các sở, ngành tăng cường công tác quản lý chặt chẽ tài sản công, đấu thầu mua sắm tài sản Nhà nước theo đúng quy định, tránh lãng phí, tham nhũng, sử dụng sai mục đích tài sản công; tăng cường hỗ trợ DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa của tỉnh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khuyến khích DN đầu tư các khu, cụm công nghiệp tập trung...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Sở Y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh: Sốt xuất huyết, tay - chân - miệng và các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa hè; Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt đang vào mùa mưa và nghỉ hè.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang tập trung đào tạo nghề gắn với phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là các thị trường lao động có thu nhập cao; phối hợp các DN trong và ngoài tỉnh kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm khách hàng; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường, các sản phẩm chuyên đề mà tỉnh An Giang có thế mạnh, như: Du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nông thôn, sinh thái, ẩm thực... đặc biệt kích cầu du lịch nội địa, tập trung vào kỳ nghỉ hè...

Tỉnh tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh An Giang) và các dự án trọng điểm của tỉnh; phối hợp Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị Lễ thông xe tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.

 

NGÔ CHUẨN