“Nguồn vốn mồi”
Nói cách khác, Nghị quyết hỗ trợ đầu tư phát triển DL trên địa bàn An Giang là “nguồn vốn mồi”, kích cầu DL, kích thích nhà đầu tư quan tâm đầu tư dịch vụ DL chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi dự án đầu tư cơ sở lưu trú (đạt tiêu chuẩn 3 sao, tại huyện Chợ Mới, Châu Thành, Phú Tân, An Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu) được hỗ trợ 40 triệu đồng/phòng ngủ, mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 4 sao được hỗ trợ 50 triệu đồng/phòng ngủ tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án. Cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao được hỗ trợ 60 triệu đồng/phòng ngủ, mức hỗ trợ tối đa 6 tỷ đồng/dự án. Nếu có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp để đạt hạng tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, cơ sở lưu trú được hỗ trợ 40 triệu đồng/phòng ngủ, mức hỗ trợ tối đa 4 tỷ đồng/dự án.
Khu du lịch hồ Ông Thoại (huyện Thoại Sơn)
Bên cạnh đó, nếu xây dựng nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang đạt chuẩn phục vụ DL, tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng (trừ hạng mục khuôn viên, tiểu cảnh, hoa viên tạo cảnh quan), mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án. Các nhà hàng phải nằm trong khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh, diện tích xây dựng từ 200m2 trở lên (không bao gồm bãi đỗ xe, khuôn viên và công trình phụ trợ), phục vụ tối thiểu 100 khách cùng lúc.
Khi đầu tư tàu, bến tàu, cầu tàu đón khách DL và các trang thiết bị bảo đảm an toàn cho du khách, nhà đầu tư được hỗ trợ 10% tổng mức chi phí của dự án, tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Quy định tạo “thông thoáng” cho việc khai thác tuyến DL đường sông tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và Thoại Sơn. Đối với kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách DL thuê (homestay), tổ chức hoặc hộ gia đình xây dựng dự án phục vụ từ 20 khách đến dưới 40 khách, được hỗ trợ 50 triệu đồng/dự án; từ 40 khách trở lên, mức hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ.
Chợ nổi Long Xuyên
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DL cho thấy sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quyết tâm chỉ đạo, quản lý, điều hành, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và Nhân dân, từ đó tạo động lực phát triển DL theo định hướng của tỉnh.
Sau khi nghị quyết được ban hành, cơ sở lưu trú tăng nhiều hơn; xuất hiện khu trưng bày sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới); vận hành Trang thương mại huyện Chợ Mới; hoạt động DL sông nước trở lại sau 2 năm dịch bệnh COVID-19…
Tình hình an ninh trật tự, môi trường cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng tại khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao hình ảnh DL An Giang trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
Để chính sách tiếp cận đời sống
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ, điều đáng băn khoăn là từ khi nghị quyết ra đời, chưa có đơn vị nào đăng ký đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DL. Nguyên nhân là do, sau đại dịch, các nhà đầu tư đang phục hồi hoạt động, thận trọng hơn trong đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông) chưa đáp ứng yêu cầu để “lôi kéo” nhà đầu tư. Mặt khác, nhu cầu tiếp cận chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DL trên địa bàn tỉnh vẫn có, nhưng điều kiện hỗ trợ cao, các đơn vị kinh doanh chưa tiếp cận được.
Khu du lịch Cồn Én
Gần đây, khảo sát điểm dừng chân sinh thái Hà Gia (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc), Khu du lịch sinh thái Cồn Én (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy, tại TP. Châu Đốc, dù xây dựng mới 4 khách sạn, nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ (quy định cơ sở lưu trú xây dựng mới phải đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao). Các cơ sở lưu trú DL trên địa bàn huyện Chợ Mới chỉ đạt chuẩn 1 – 2 sao, trong khi chính sách hỗ trợ xây mới và sửa chữa nâng cấp dành cho cơ sở đạt chuẩn 3 sao trở lên.
Theo UBND tỉnh An Giang, hầu hết chính sách hỗ trợ được thực hiện sau khi dự án được đầu tư. Điều này có nghĩa, tổ chức, cá nhân tự bỏ nguồn vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực DL, chỉ được nhận hỗ trợ khi hoàn thành dự án, đáp ứng mọi yêu cầu, thủ tục từ Nhà nước. Trung ương chưa có quy định cụ thể, chi tiết hoặc quy định khung chính sách thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực DL nói chung, phát triển hạ tầng DL nói riêng để các địa phương triển khai.
Toàn tỉnh chưa tạo được quỹ đất sạch tại khu, điểm DL trọng điểm để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy dịch vụ DL phát triển. Nghị quyết chưa tập trung cụ thể vào định hướng hỗ trợ phát triển loại hình DL sinh thái, nghỉ dưỡng, DL nông nghiệp, dù tỉnh có tiềm năng phát triển.
DL là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự chung tay nối dài của toàn xã hội để khơi dậy tiềm năng, góp phần phát triển DL địa phương, có sự phối hợp giữa các bên liên quan.
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh An Giang Lê Tuấn Khanh nhấn mạnh: “Trước mắt, các địa phương chủ động rà soát, đánh giá hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND. Từ đó đề xuất, kiến nghị nội dung cần sửa đổi, bổ sung; rà soát cơ sở kinh doanh DL phát sinh, tuyên truyền, hướng dẫn họ được tiếp cận chính sách đầu tư.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn tỉnh, phù hợp tình hình thực tế, đúng quy định. UBND tỉnh chỉ đạo sơ, tổng kết thực hiện Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND; đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới; hoặc đề xuất ban hành chính sách mới mang tính toàn diện, bao quát hơn”.
Tỉnh hiện có 97 cơ sở lưu trú DL (1 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 30 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du khách); 19 công ty lữ hành; 5 khu, điểm DL được công nhận (1 khu DL quốc gia, 1 khu DL cấp tỉnh và 3 điểm DL). |
GIA KHÁNH