An Giang phát huy quyền dân chủ của người lao động

22/03/2018 - 06:49

 - Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), hội nghị người lao động (NLĐ) tổ chức hàng năm là dịp để thương lượng, ký kết, bổ sung thỏa ước LĐ tập thể, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị doanh nghiệp (DN) không quan tâm đến việc làm này.

Đến nay, toàn An Giang có 1.303/1.341 Công đoàn cơ sở (CĐCS) cùng thủ trưởng đơn vị tổ chức hội nghị CB, CC, VC (đạt tỷ lệ 97,1%) và có 78/225 CĐCS DN tổ chức hội nghị NLĐ (đạt tỷ lệ 34,7%). Các đơn vị tổ chức hội nghị CB, CC, VC khá tốt.

Ngoài việc ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị với Ban Chấp hành CĐCS, nhiều đơn vị còn có những quy định cụ thể về: thi đua, khen thưởng; quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công, quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy định về quy trình xử lý và và thời gian hoàn thành công việc…

Trong hội nghị, CB, CC, VC được bàn về chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đóng góp các văn bản, đề án của cơ quan, đơn vị… góp phần đưa các hoạt động đi vào nền nếp.

Tại DN, hội nghị NLĐ đều xây dựng quy chế làm việc và các quy chế phối hợp giữa người sử dụng LĐ với Ban Chấp hành CĐCS, quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; quy chế của phân xưởng, tổ, đội sản xuất; ký kết thỏa ước LĐ tập thể; ký kết hợp đồng LĐ, kế hoạch an toàn vệ sinh LĐ…

Các nội dung về chế độ, chính sách có liên quan NLĐ, khen thưởng và các nguồn quỹ đã được công khai trong DN thường xuyên hơn.

Đặc biệt, trước khi hội đồng quản trị, giám đốc quyết định vấn đề gì, DN luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để NLĐ tham gia ý kiến.

Bên cạnh hội nghị NLĐ, nhiều DN còn chú trọng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để nắm bắt kịp thời những kiến nghị, đề xuất và tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định.

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, qua từng năm, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của CB, CC, VC, NLĐ và người sử dụng LĐ đều có chuyển biến tích cực.

Chuyển biến rõ nét nhất tại cơ sở hiện nay (nhất là trong DN) là hạn chế được nhiều tiêu cực, công nhân viên chức và LĐ tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh, tạo mối quan hệ LĐ hài hòa, ổn định.

CĐ cũng đã phát huy rõ nét hơn vai trò của mình qua các hoạt động tham mưu tại cơ sở, phát huy quyền làm chủ của NLĐ.

Nhìn chung, các hội nghị NLĐ tổ chức đúng quy trình, đạt chất lượng, song ở nhiều nơi vẫn gặp những khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị, DN vẫn xem việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ là của tổ chức CĐ.

Các DN ngoài Nhà nước không quan tâm và chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật. Việc tổ chức đối thoại định kỳ để trao đổi, lắng nghe giữa người sử dụng LĐ và NLĐ hiện nay rất khó khăn.

Mặt khác, chất lượng trong thỏa ước LĐ tập thể ở những đơn vị này chưa cao, có nơi không tổ chức lấy ý kiến của tập thể NLĐ hoặc chỉ lấy ý kiến của tổ trưởng, Ban Chấp hành CĐ…

Theo hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, hội nghị CB, CC, VC phải hoàn thành trong tháng 3 và hội nghị NLĐ hoàn thành trong tháng 6.

Để hội nghị CB, CC, VC và hội nghị NLĐ phát huy được trách nhiệm dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, LĐLĐ tỉnh đề nghị gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về LĐ trong việc đôn đốc, tổ chức hội nghị.

Nhiều cán bộ CĐCS còn đề xuất giải pháp trước hết là tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của hội nghị đối với người sử dụng LĐ và NLĐ. Nội dung trong hội nghị cũng là vấn đề quan trọng cần quan tâm, hạn chế hình thức, chỉ định trước người phát biểu.

DN cần quan tâm đến những ý kiến, đề xuất của NLĐ và có biện pháp thực hiện hoặc đối thoại cho NLĐ thấu hiểu, tạo ra sự thống nhất thỏa đáng giữa đôi bên.

Phát huy quyền dân chủ của người lao động

Hội nghị CB, CC, VC, NLĐ là nơi phát huy trách nhiệm dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện

MỸ HẠNH