Du khách kết hợp viếng chùa và du lịch
Giàu tiềm năng, lợi thế
An Giang nằm ở vùng Tứ giác Long Xuyên, có khoảng 100km đường biên giới tiếp giáp Campuchia, thuận lợi kết nối giao thương, DL. Nhắc đến những điểm nổi tiếng ở An Giang không thể không nhắc đến Khu du lịch quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) với quần thể di tích lịch sử - văn hóa, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang...
Đây là những di tích lịch sử - văn hóa có lối kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, gắn với sự tích huyền bí thời khẩn hoang mở cõi vùng đất An Giang. Trong đó, Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tạo nên nét văn hóa đặc sắc, đậm chất tâm linh, quy mô nhất miền Tây Nam Bộ.
Hàng năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan DL và hành hương, chiêm bái. Châu Đốc còn có các loại mắm, với nhiều cơ sở làm mắm gia truyền qua nhiều thế hệ, với cách làm giữ hương vị truyền thống, kết hợp áp dụng công nghệ máy móc đảm bảo vệ sinh, đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...
Ngoài Khu du lịch quốc gia núi Sam, du khách còn biết đến Khu du lịch núi Cấm cũng là điểm đến tâm linh, hành hương, DL sinh thái nổi tiếng ở vùng Thất Sơn. Với độ cao 716m, núi Cấm được mệnh danh là “nóc nhà” của miền Tây, ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn, với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng. Nhiệt độ trung bình trong ngày của núi Cấm từ 20 - 250C, mang đến cho du khách không khí mát mẻ, trong lành nên núi Cấm được ví như Đà Lạt của ĐBSCL.
Tại đây, có nhiều ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, tượng Phật Di Lặc ngự trên núi cao… tạo nên những giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh về một Thất Sơn huyền bí. Nếu có dịp nghỉ đêm ở "nóc nhà miền Tây", du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng.
Bạn Nguyễn Kiều Tiên (ngụ tỉnh Long An) cùng nhóm bạn lần đầu đến An Giang, sau khi đến TP. Châu Đốc viếng Bà Chúa Xứ, cả nhóm chọn núi Cấm làm điểm dừng chân. “Em thích khung cảnh buổi sáng sớm, sương lãng đãng giăng trên mặt hồ, tiếng chuông chùa vang vọng giữa núi rừng, cảm giác “rất chill” (thư giãn, thoải mái và tận hưởng). Vừa cúng bái, vừa tận hưởng không gian núi rừng thoáng đãng, đúng nghĩa là vừa DL vừa tận hưởng cuộc sống. Đợt này, nhóm em đi ngay Hội đua bò Bảy Núi, không khí rất vui, náo nhiệt, các đôi bò thi đấu quyết liệt, hấp dẫn. Có điều kiện, em sẽ cùng nhóm bạn hoặc gia đình đến An Giang vào dịp gần nhất” - Kiều Tiên bày tỏ.
Du khách Nguyễn Văn Chung (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hàng năm, gia đình đều đến An Giang vào mùa nước nổi để cảm nhận sóng nước mênh mông, thưởng thức đặc sản mùa nước nổi, đi rừng tràm Trà Sư và một số chùa nổi tiếng (Vạn Linh, Tây An...), Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Năm nay, gia đình sẽ dành thêm 1 ngày để đến trải nghiệm chợ nổi Long Xuyên, viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng), ăn cơm tấm nhuyễn Long Xuyên, bánh tằm se…
Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách
Tăng cường đầu tư, quảng bá
Những năm qua, An Giang tận dụng tiềm năng, lợi thế DL sẵn có, tập trung phát triển DL tâm linh, DL sinh thái kết hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Các tour DL ngắn ngày được thiết kế lịch trình kỹ càng đưa lên sàn thương mại điện tử. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, thời gian qua, An Giang tập trung đầu tư phát triển giao thông phục vụ phát triển DL; xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Sập, Soài So, núi Cấm, tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh núi Sam…
Nhiều điểm DL, khu dịch vụ công cộng, siêu thị, bến xe trên địa bàn An Giang cung cấp wifi miễn phí, tạo điều kiện để người dân, du khách tra cứu thông tin về điểm đến… góp phần quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người An Giang. Các khách sạn, nhà nghỉ triển khai phần mềm quản lý khách lưu trú góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội, tạo niềm tin cho du khách. Một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho du khách.
“Ngành DL tỉnh còn tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu DL An Giang. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, sự khác biệt vùng miền, những địa danh, thắng cảnh, di tích văn hóa - lịch sử, quảng bá văn hóa ẩm thực, đặc sản miền sông nước nhằm thu hút du khách đến An Giang” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp thông tin.
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn từ 4 sao trở lên. Đồng thời, nâng cấp, tu bổ, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, nhằm khai thác hiệu quả DL văn hóa, tâm linh gắn với DL sinh thái.
THU THẢO