Giới thiệu trưng bày hiện vật tại Bảo tàng tỉnh
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản liên quan lĩnh vực di sản văn hóa.
Đặc biệt, chú trọng phân cấp quản lý giữa các sở, ngành, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả và chặt chẽ việc quản lý di sản văn hóa. Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và thực tế địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Trương Bá Trạng, đơn vị đã triển khai quyết định phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn các địa phương kiện toàn, thành lập Ban quản lý di tích theo quy định về phân cấp quản lý. Đến nay, hầu hết các di tích đều đã kiện toàn ban quản lý di tích, một số di tích đang xây dựng quy chế hoạt động. Công tác quản lý di sản văn hóa ngày càng được thực hiện chặt chẽ, nền nếp. Các ban quản lý di tích ý thức hơn về giá trị di sản văn hóa, về trách nhiệm, chấp hành tốt các quy định pháp luật trong việc bảo vệ di tích tại địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, Sở VH-TT&DL đã triển khai kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Thoại Sơn; kiểm kê di sản phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; kiểm kê di sản đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tại TX. Tân Châu, huyện An Phú, Châu Thành, Châu Phú.
Từ năm 2017 - 2022, An Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer; Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu (thị trấn núi Sập, huyện Thoại Sơn). Năm 2021, Sở VH-TT&DL xây dựng hồ sơ khoa học 2 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là “Nghi lễ vòng đời của người Chăm An Giang” và “Nghệ thuật Dì Kê của người Khmer An Giang” trình Bộ VH,TT&DL xem xét đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Sở VH-TT&DL xây dựng hồ sơ khoa học “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang” để trình xem xét, công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gồm: “Đề án bảo tồn và phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang”, đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer”, đề án bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đến năm 2030.
Cùng với đó, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo UBND TP. Châu Đốc phối hợp Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch lập hồ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam báo cáo Bộ VH-TT&DL trình UNESCO. UBND TP. Châu Đốc đã phối hợp Sở VH-TT&DL và đơn vị tư vấn xây dựng hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng di sản quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ trình UNESCO xem xét.
Tăng cường bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Phong trào đờn ca tài tử phát triển ở nhiều địa phương, số lượng câu lạc bộ, nghệ nhân và người tham gia không ngừng tăng.
Hình thành và duy trì hoạt động 12 đội đờn ca tài tử chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (cấp tỉnh 1 đội; mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 đội chuyên lưu giữ, quảng bá, thực hành kỹ năng thể hiện 20 bài bản cổ truyền của nghệ thuật đờn ca tài tử). Ở mỗi xã văn hóa đều hình thành và duy trì các câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt trong các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội, sinh hoạt nội bộ trong gia đình…
Cùng với đó, công tác trùng tu, tôn tạo di tích luôn được chú trọng. Tăng cường bá di sản văn hóa qua nhiều kênh, như: Trưng bày triển lãm, truyền thông, đăng website… Hàng năm, xây dựng kế hoạch tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Đồng Mô (TP. Hà Nội) như đưa đoàn nghệ nhân Chăm, Khmer, Kinh tham gia tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, TP. Hà Nội) nhằm giới thiệu văn hóa các dân tộc ở An Giang đến cộng đồng các dân tộc anh em. |
HỮU HUYNH