An Giang quyết dẹp nạn “cát tặc” - Kỳ cuối: Kiên quyết trong xử lý

17/10/2019 - 14:35

 - Mặc dù tỉnh An Giang tập trung nhiều giải pháp nhưng thời gian qua nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của hệ thống pháp luật và sơ hở trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước để khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trong thời gian tới.

Theo Công an tỉnh, tình trạng khai thác cát trái phép bắt đầu tái diễn nhưng công tác kiểm tra, xử lý vẫn còn không ít khó khăn. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép, hiện không có phương pháp kiểm tra trữ lượng khai thác nên các doanh nghiệp khai thác thường né tránh không xuất hóa đơn, nhằm để bảo đảm trữ lượng và công suất khai thác. Đối với các đối tượng khai thác không phép: trên tuyến sông Tiền tiếp giáp giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp giới hạn giữa 2 tỉnh và khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia, đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động khai thác gây khó khăn cho công tác xử lý. Các đối tượng còn tăng cường hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ, cử người theo dõi tổ kiểm tra, sử dụng ghe nhỏ nhằm né tránh tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đối với các phương tiện vận chuyển cát, khi các phương tiện vận chuyển bị kiểm tra, phát hiện không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc hợp pháp, sau đó lại cung cấp hóa đơn nên không thể xử lý triệt để. Bởi theo quy định của pháp luật, trong vòng 24 giờ được quyền cung cấp hóa đơn cho lượng lực chức năng khi bị kiểm tra. Đối với các bến bãi tập kết, mua bán, tiêu thụ và tàng trữ cát sông, các cơ sở thường hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lượng lực chức năng.

Tỉnh kiên quyết mạnh tay xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản sai quy định

Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh ngoài việc kết hợp kiểm tra 2 đợt/năm, khi nhận được tin báo của người dân hoặc khi phát hiện các “điểm nóng” đều tổ chức kiểm tra để xử lý theo quy định. Đối với các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, các Tổ kiểm tra cấp xã thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, tuần tra để phát hiện, xử lý các vi phạm. Những nơi xảy ra “điểm nóng” về khai thác cát sông, cát núi trái phép, tập trung nhiều phương tiện, UBND cấp xã lập điểm giám sát 24/24 nên đã hạn chế rất nhiều tình trạng các phương tiện khai thác khoáng sản trái quy định của pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, đã kiểm tra, xử lý 608 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát, sỏi phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh rất cao. Để quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường khẩn trương đo đạc, kiểm tra địa hình đáy sông và thống kê trữ lượng còn lại của tất cả các khu mỏ cát sông đã được cấp phép khai thác để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục khu vực cấp phép khai thác, khu vực thực hiện nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho rằng “khai thác khoáng sản trái phép là xâm phạm tài sản nhà nước”, nên yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường quản lý, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện việc đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị, phân bổ đủ kinh phí cho đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã và có chính sách khen thưởng cho lực lượng thi hành công vụ đảm bảo hoạt động kiểm tra được thường xuyên; lập chốt giám sát 24/24 tại nơi có điểm nóng về khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý, thay thế Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn buông lỏng công tác quản lý để xảy ra “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Rà soát các quy định để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là khi cấp phép phải yêu cầu doanh nghiệp gắn thiết bị “định vị” trên phương tiện khai thác và tăng cường quản lý các “điểm nóng” khai thác khoáng sản tại địa bàn (trên tinh thần không để xảy ra “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư phát biểu “khai thác khoáng sản trái phép là xâm phạm tài sản nhà nước”

Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND cấp huyện rà soát lại danh mục các khu vực nạo vét thông luồng; việc triển khai nạo vét phải thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ.

Đề nghị lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện khai thác cát trái phép, nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp kiểm tra các phương tiện khai thác cát trái phép tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Yêu cầu Cục Thuế tỉnh có giải pháp kiểm soát lượng khoáng sản của các doanh nghiệp để tránh thất thu thuế. Sở Tư Pháp phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát các quy định, chế tài không còn phù hợp, cũng như thực tế quản lý hiện nay để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp. Đồng thời, đề nghị UBMTTQVN tỉnh tiếp tục chỉ đạo Mặt trận các địa phương quan tâm, tăng cường hơn nữa vai trò phản biện, giám sát đối với các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông, cát núi nhằm kịp thời giúp các ngành, địa phương trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH