An Giang quyết dẹp nạn “cát tặc” - Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn

16/10/2019 - 14:29

 - Mặc dù tỉnh An Giang triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình khai thác cát trái phép vẫn diễn ra và có dấu hiệu gia tăng. Nhất là, chế tài xử lý quá nhẹ đối với hành vi khai thác khoáng sản dưới 50m3 và không áp dụng phạt bổ sung theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nên chưa đủ sức răn đe.

Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh xử lý tịch thu phương tiện khai thác cát vi phạm quy định

Vẫn xảy ra nhiều nơi

Chợ Mới là một trong những địa bàn thường xảy ra các trường hợp khai thác khoáng sản cát sông trái phép. Toàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông tại 6 khu mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu (trên sông Tiền có 3 khu mỏ nằm trọn trên địa bàn huyện Chợ Mới thuộc địa bàn xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp do Công ty TNHH TM & DV Hải Toàn và Hợp tác xã khai thác cát Chợ Mới khai thác. Trên sông Hậu có 3 khu mỏ, một phần nằm trên địa bàn huyện Chợ Mới và một phần nằm trên địa bàn huyện Châu Phú, Châu Thành do DNTN Thái Bình và Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang khai thác). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 76 cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng có mua bán khoáng sản cát sông và 95 phương tiện tự hành hoạt động mua bán cát sông (14 phương tiện gắn đầu hút cát sông). UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn làm việc với các chủ phương tiện có gắn đầu hút cát để tuyên truyền, vận động tháo gỡ và cho làm cam kết không được khai thác cát trái phép... Từ năm 2017 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chợ Mới đã tổ chức trên 50 đợt kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản cát sông trái phép trên địa bàn huyện. Qua đó, phát hiện hơn 14 trường hợp khai thác khoáng sản cát sông không có giấy phép theo quy định và đã xử lý, cụ thể: UBND huyện xử lý 12 trường hợp, xử phạt theo thẩm quyền 22 đối tượng với tổng số tiền là 139 triệu đồng, tịch thu 4 phương tiện (các trường hợp sau ngày 20-5-2017 thì không tịch thu phương tiện); trình UBND tỉnh xử lý 2 trường hợp do vượt thẩm quyền với số tiền 24 triệu đồng và tịch thu toàn bộ phương tiện (tất cả 6 phương tiện bị tịch thu đã tổ chức bán đấu giá với tổng số tiền là 353,6 triệu đồng). 

Trên địa bàn TX. Tân Châu còn khoảng 16 phương tiện lớn nhỏ (ghe, sà-lan) có tải trọng từ 25 - 70 tấn trang bị máy bơm hút cát trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường, bức xúc trong nhân dân, nhất là khu vực giáp biên giới Việt Nam - Campuchia và khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Tháp. UBND TX. Tân Châu phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Sông Tiền và lực lượng Công an tăng cường phòng, chống khai thác cát trái phép trong khu vực biên giới tỉnh An Giang và thực hiện việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (cát sông) vùng giáp ranh địa giới hành chính của tỉnh (theo quy chế phối hợp được UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ ký ngày 16-11-2017). UBND thị xã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, bố trí bến bãi neo đậu phương tiện vi phạm chờ xử lý, trang bị phương tiện, bổ sung kinh phí cho đoàn kiểm tra hoạt động, công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin nhân dân phản ánh… Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường lập chốt giám sát 24/24 khi có “điểm nóng” về khai thác cát trái phép trên địa bàn quản lý. Trong 2 năm (2017-2018), trên địa bàn TX. Tân Châu đã kiểm tra, xử lý 12 trường hợp khai thác khoáng sản (cát sông) trái phép, xử phạt hành chính 51 triệu đồng và kiểm tra 81 phương tiện (sà-lan) vận chuyển cát, đều có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra, từ đầu năm 2019 đến nay đã kiểm tra, xử lý 6 trường hợp khai thác khoáng sản (cát sông) trái phép, xử phạt hành chính 31 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác như: Châu Phú, Phú Tân, An Phú cũng còn tình trạng khai thác cát sông trái phép. Nhất là vẫn còn tình trạng lén lút khai thác cát núi vào ban đêm, ngày nghỉ tại một số nơi thuộc các xã: An Cư, An Hảo, An Phú, Vĩnh Trung, Văn Giáo (Tịnh Biên) và xã Lương Phi (Tri Tôn) gây bức xúc nhân dân. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng vẫn còn diễn biến rất tinh vi, phức tạp.

Còn nhiều khó khăn

Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Trần Văn Hải, cho biết: mặc dù đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện và Tổ kiểm tra cấp xã nhưng do các đối tượng khai thác cát núi vào đêm khuya, địa bàn đất triền núi rộng, cây cối phức tạp, đối tượng có cử người giám sát… nên lực lượng khó kiểm tra bắt được quả tang đang khai thác trái phép. Đối với khai thác cát sông, việc kiểm tra trên dòng sông chung thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia gặp nhiều khó khăn, do tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành theo yêu cầu của lực lượng chức năng, có hành vi chống đối, điều khiển phương tiện vượt biên giới Việt Nam qua Campuchia. Một số khu vực giáp ranh giữa An Giang - Đồng Tháp - TP. Cần Thơ, các phương tiện được cấp phép khai thác lấn qua lại, nhưng đoàn kiểm tra cấp huyện, Tổ kiểm tra cấp xã không được trang bị máy “định vị” để xác định địa giới hành chính nên khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.

Đáng nói là nhiều địa phương (cấp xã, huyện) chưa chủ động kiểm tra các bãi, vựa, điểm kinh doanh vật liệu xây dựng có cát sông và các phương tiện vận chuyển cát sông để xử lý hành vi mua, bán, vận chuyển, kinh doanh không có hóa đơn, nguồn gốc hợp pháp. Nhiều nơi chưa chủ động tổ chức kiểm tra vào ban đêm, ngày nghỉ đối với hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn…

Trong khi đó, chế tài xử lý quá nhẹ đối với hành vi khai thác khoáng sản dưới 50m3 và không áp dụng phạt bổ sung theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nên không đủ sức răn đe.

Mặt khác, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, có quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác, nhưng lại quy định trong hành lang bảo vệ luồng, phạm vi luồng… muốn xử lý phải có máy “định vị tọa độ” và chuyển qua cơ quan chuyên môn xác định để làm căn cứ xử lý. Trong khi nơi xảy ra khai thác trái phép là địa bàn cơ sở, lực lượng xử lý trực tiếp là Tổ kiểm tra cấp xã lại thiếu phương tiện chuyên môn (máy “định vị tọa độ”), nên khó khăn tác nghiệp.

Một vấn đề đặt ra là đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý sản lượng khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép, mà chủ yếu do doanh nghiệp tự khai báo. Chính vì quản lý không chặt chẽ nên doanh nghiệp khai thác vượt công suất cho phép, tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước…

(Còn tiếp)

Kỳ cuối: Kiên quyết trong xử lý

Bài, ảnh: HỮU HUYNH