An Giang quyết liệt hành động, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”

30/01/2022 - 06:00

 - Năm 2021 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực, đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh An Giang thực hiện đạt “mục tiêu kép”.

Năm 2021, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, Chính phủ; sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang; sự đoàn kết, chủ động, nỗ lực của các cấp, ngành cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, đã khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội; áp dụng nhiều biện pháp  mạnh mẽ, quyết liệt, “chưa có tiền lệ” để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; từng bước đưa cuộc sống nhân dân về trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Cả hệ thống chính trị, nhân dân chung sức, đồng lòng

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 2,15%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (năm 2020 là 2,46%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng khá so năm trước.

Ước tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,22%, cao hơn năm 2020 là 1,97%. Khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 2,69%, thấp hơn nhiều so năm trước (năm 2020 là 6,66%). Khu vực dịch vụ tăng 2,02% được xem là mức tăng khả quan so cùng kỳ (năm 2020 là 1,48%) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp phải tạm dừng nhiều hoạt động kinh tế.

GRDP bình quân đầu người đạt 48,90 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 28.839 tỷ đồng (đạt chỉ tiêu). Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,12 tỷ USD (vượt kế hoạch 155 triệu USD). Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 6.923 tỷ đồng (vượt kế hoạch 60 tỷ đồng). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% (đạt chỉ tiêu). 46,58% trường học đạt chuẩn quốc gia (vượt 2,67% chỉ tiêu). 66,5% lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân (đạt chỉ tiêu). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1% (đạt chỉ tiêu). 9,4 bác sĩ/1 vạn dân (đạt chỉ tiêu). 91% tham gia bảo hiểm y tế (đạt chỉ tiêu).

Có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu 4 xã), nâng tổng số toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 93,7% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh (vượt 2,7% chỉ tiêu). 20% cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử (đạt chỉ tiêu). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 147.299 tỷ đồng (tăng 5,09% so cùng kỳ năm trước).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bìa trái) thị sát kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuyến biên giới Tây Nam.

Do chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19, lượng khách đến các khu, điểm tham quan du lịch giảm còn 3,5 triệu lượt khách (giảm 46% so cùng kỳ năm 2020, đạt 50% kế hoạch năm 2021).

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, toàn tỉnh có 18 dự án đăng ký đầu tư mới (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 17 dự án đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký khoảng 947 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thực hiện tốt việc hỗ trợ người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh...

Thực hiện toàn diện công tác xây dựng Đảng

Năm 2021, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ khởi công dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại An Giang. Ảnh: N.C

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XV), đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026) và kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Năm 2022- năng động, thích ứng an toàn, linh hoạt

Năm 2022 và thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề mới nảy sinh; thiên tai và biến đổi khí hậu luôn tiềm ẩn; dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là việc xác định chủ trương, chính sách, kế hoạch phục hồi kinh tế nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (bìa trái) khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại An Giang

Do đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 - xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, ngành ngay từ đầu năm.

Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với bước đi, lộ trình phù hợp, phân công trách nhiệm phối hợp cụ thể, rõ ràng gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tăng cường cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, vai trò tham mưu của các sở, ngành cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ.

Về kinh tế - xã hội: Tiếp tục phát huy mạnh mẽ thế mạnh nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế của tỉnh; tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường và thích ứng dịch bệnh COVID-19; khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản. Tăng cường công tác quản lý giá vật tư đầu vào. Kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để bùng phát.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn để đảm bảo tính bền vững.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Tổ chức hiệu quả Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022. Hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thực hiện nhanh các dự án đã đăng ký. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ theo quy định để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Lãnh đạo tỉnh và các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19

Rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Công khai, minh bạch thủ tục đầu tư, đồng thời tăng cường quản lý, ngăn chặn tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Quản lý, điều hành thu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đúng chế độ, định mức, đảm bảo cân đối. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định về ngân sách, tài sản công, nhất là đất đai, trụ sở cơ quan... Phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2022.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp bậc phổ thông theo tiêu chí chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng dạy và học. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; từng bước đưa học sinh trở lại trường học trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh; đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế. Củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở các cấp.

Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Rà soát, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đảm bảo đầy đủ, đúng quy định.

Khẩn trương rà soát, chuẩn bị chu đáo kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1832 - 2022) đảm bảo trọng thể, thiết thực và hiệu quả.

Về quốc phòng - an ninh: Tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh biên giới và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các công trình phòng thủ, các chốt dân quân tuyến biên giới. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Đổi mới công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kết luận 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề toàn khóa, chuyên đề năm 2022 của Trung ương và tỉnh. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, trọng tâm là các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022).

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, biện pháp định hướng kịp thời, hiệu quả. Đấu tranh phản bác những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về công tác xây dựng Đảng và dân vận. Đặc biệt về chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ (bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, điều động, bổ nhiệm, giám sát, kiểm tra, xử lý theo nguyên tắc của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ).

Lãnh, chỉ đạo kiện toàn các chức danh chủ chốt cấp tỉnh, huyện và ngành; rà soát, bổ sung và chuẩn bị quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030; xây dựng đề án về tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo quản lý trẻ, nữ, dân tộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng viên. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở và địa bàn dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.

Lãnh, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, chấp hành nghiêm các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lãnh đạo chuẩn bị chu đáo nội dung tổ chức Đại hội Đoàn Thanh niên các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh An Giang lần thứ XI và Đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022 – 2027).

Toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân An Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022

• Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 5,2%.

•GRDP bình quân đầu người là 52,66 triệu đồng/người/năm.

•Tổng vốn đầu tư xã hội 30.127 tỷ đồng.

•Kim ngạch xuất khẩu là 1,15 tỷ USD.

•Thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn 6.183 tỷ đồng.

•Tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%.

•Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 47,45%.

•Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 68%.

•Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2% năm.

•9,5 bác sĩ/vạn dân.

•Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92%.

•Có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

•94% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh.

•Cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 40%.

TS. LÊ HỒNG QUANG  (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh  ủy An Giang)