An Giang: Sôi nổi bóng đá phong trào

20/01/2021 - 03:46

 - Những năm qua, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh An Giang luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, phong trào bóng đá ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, với nhiều lứa tuổi và thành phần. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe mà còn thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Là môn thể thao “vua” nên bóng đá luôn thu hút đông đảo người chơi. Các sân bóng mi-ni nối tiếp nhau ra đời để phục vụ phong trào tập luyện cũng như thi đấu của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, bóng đá luôn được xem là “món ăn tinh thần” của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Vào mỗi buổi chiều tối, nhất là dịp cuối tuần, không khí đá bóng ở các sân bóng luôn diễn ra sôi nổi, hào hứng, thu hút đông người ở nhiều lứa tuổi tham gia. Để tránh tình trạng không có sân thi đấu, hầu hết các đội bóng phải đặt lịch trước với chủ sân bóng.

Nguyễn Văn Hòa (sinh viên Trường Đại học An Giang) cho biết: “Sau giờ học em thường cùng các bạn thuê sân cỏ nhân tạo để giao lưu bóng đá. Chi phí mỗi trận đấu khoảng 20.000-30.000 đồng/người, không quá cao đối với sinh viên tụi em”.

Bóng đá luôn thu hút đông đảo các lứa tuổi, thành phần tham gia

Những năm qua, các thiết chế văn hóa, TDTT ở cơ sở từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân. Ngoài ra, ngành thể thao tỉnh đẩy mạnh kêu gọi các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng cơ sở vật chất và và tổ chức các giải thi đấu bóng đá phong trào. Bóng đá trở thành môn thể thao không thể thiếu trong những giải thể thao, hội thao, do các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, thành lập ngành.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 350 sân bóng đá, trong đó có gần 290 sân bóng đá mi-ni. Hầu hết các sân bóng đá mi-ni, do tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng và tổ chức kinh doanh, với mặt sân được lót bằng cỏ nhân tạo, có lưới bao xung quanh, hệ thống thoát nước và hệ thống đèn cao áp chiếu sáng để phục vụ đá bóng buổi tối. Các sân bóng này ra đời góp phần thúc đẩy phong trào TDTT nói chung, bóng đá nói riêng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích giúp các cầu thủ “nghiệp dư” thuộc mọi lứa tuổi rèn luyện sức khỏe, thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng.

Là cán bộ, công chức với bộn bề công việc nhưng anh Lê Tuấn Anh (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) đều sắp xếp thời gian để cùng các thành viên của đội bóng thi đấu giao lưu với các đội bạn, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo Minh Khôi (TP. Long Xuyên) vào 18 giờ 30 phút, thứ năm hàng tuần.

Anh Lê Tuấn Anh cho biết: “Tôi chơi bóng đá được hơn 10 năm. Đội bóng tôi tham gia có hơn 15 thành viên có chung niềm đam mê với trái bóng tròn đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Hàng tuần, các thành viên đều bố trí, sắp xếp công việc tập luyện và thi đấu giao lưu, nhằm thỏa mãn đam mê và nâng cao sức khỏe”.

Ngoài các giải bóng đá phong trào do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tổ chức, hàng năm còn có hàng chục giải đấu khác được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các thành phần yêu thích môn thể thao “vua”. Với những giải đấu sôi nổi, ấn tượng, bóng đá phong trào phát triển mạnh trong những năm qua thực sự là điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát triển đa dạng phong trào TDTT địa phương.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU