An Giang tăng cường chấp hành pháp luật lao động và công đoàn trong doanh nghiệp

13/04/2022 - 03:37

 - Việc tuân thủ pháp luật lao động không chỉ đảm bảo quyền lợi người lao động (NLĐ) mà còn thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp (DN), cải thiện điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn. Để khắc phục những hạn chế trong chấp hành pháp luật lao động và công đoàn ở một số DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan cấp tỉnh, huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cho chủ DN về những quy định của pháp luật lao động, xây dựng văn hóa DN, góp phần phát triển DN ổn định, lâu dài.

Ảnh: HẠNH CHÂU

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, chính quyền, công đoàn và các DN đã quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả rất tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ, thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại.

Cùng với đó, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ; việc thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên và trích nộp kinh phí công đoàn được các DN phối hợp cùng cơ quan liên quan thực hiện đảm bảo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa quan tâm thực hiện đúng và đầy đủ những yêu cầu đã được đặt ra. Trong đó, còn một vài DN thực hiện bữa ăn ca chưa tốt, có nơi chỉ đáp ứng bữa ăn từ 10.000-12.000 đồng/buổi/người. Công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ chưa được quan tâm thực hiện.

Vẫn còn DN đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn chưa đúng với quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Hoạt động công đoàn trong DN một số nơi chưa thực sự hiệu quả, xây dựng và thực hiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN chưa đạt yêu cầu…

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố, DN trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; Kế hoạch 97-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới cùng các văn bản chỉ đạo có liên quan của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Theo đó, cần xây dựng các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ, người sử dụng lao động cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. DN xem việc quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ làm động lực ổn định DN và ngược lại, phát triển DN là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của NLĐ. Đồng thời, công tác tuyên truyền còn góp phần phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể.

Các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, công đoàn ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, địa bàn có nhiều DN, DN sử dụng nhiều lao động.

Đặc biệt, quan tâm đến những nội dung, lĩnh vực dễ phát sinh tranh chấp lao động, như: Tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, tiền ăn giữa ca, ký kết hợp đồng lao động, an toàn vệ sinh lao động, đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…

Qua đó, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi, vi phạm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, xây dựng tốt quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.

Các cơ quan chức năng cấp tỉnh làm việc nắm tình hình lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: MỸ HẠNH

UBND tỉnh An Giang còn yêu cầu các ngành, như: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các Khu kinh tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, các ngành có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp để gặp gỡ, động viên các DN tạo điều kiện để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách có liên quan đến NLĐ và người sử dụng lao động.

Quan tâm nhất là những nội dung mới về quan hệ lao động trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình trong công nhân lao động và chủ DN.

Riêng tổ chức công đoàn các cấp tiếp tục tuyên tuyền, tập hợp NLĐ tham gia tổ chức công đoàn. Phát huy vai trò của mình, công đoàn cần chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, tư tưởng, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời phản ánh, kiến nghị chính quyền, các ngành chức năng và DN xem xét giải quyết phù hợp. Phối hợp tuyển dụng lao động, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, hoạt động văn hóa thể thao, cải thiện chất lượng bữa ăn ca, môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho NLĐ.

Đối với các DN đóng trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và công đoàn. DN phối hợp công đoàn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước tập thể. Bên cạnh đó, phải công khai thỏa ước lao động tập thể, các chế độ, chính sách liên quan để NLĐ tham gia giám sát.

Ngoài ra, xem xét nâng mức hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ đảm bảo từ 18.000 đồng/bữa trở lên, tạo điều kiện để công đoàn giám sát chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, an toàn lao động tại nơi làm việc. Thực hiện theo pháp luật, DN phải đóng bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả, vững mạnh theo hướng dẫn của công đoàn cấp trên.

Bảo vệ quyền lợi, lợi ích của NLĐ là một trong những yếu tố quan trọng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời góp phần vì một môi trường làm việc có quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.

MỸ HẠNH